Một số vấn đề về tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ngày nay, tài sản vô hình ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Tài sản trí tuệ có thể được hiểu là các sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Tài sản trí tuệ bao gồm: các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học; các chương trình biểu diễn của các nghệ sỹ, các bản ghi âm và các chương trình phát sóng; các sáng chế; các kiểu dáng công nghiệp; các bí mật kinh doanh; các nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý; tên thương mại; giống cây trồng mới; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, v.v... Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, không thể được xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn vì có khả năng sinh ra lợi nhuận.
Trong những năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã nhận thức đúng đắn về vai trò của tài sản trí tuệ, vai trò của việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với chiến lược kinh doanh dài hạn, vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp trên địa bàn, sở hữu trí tuệ vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc tạo dựng, xác lập, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ.
Một số nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 22.000 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số. Theo thống kê của Cục SHTT, tính đến năm 2015, tỉnh Bình Dương có 2.474 văn bằng được cấp. Trong đó, nhãn hiệu là 2.471 văn bằng (chiếm 93%); kiểu dáng công nghiệp là 167 văn bằng (chiếm 5%); sáng chế và giải pháp hữu ích là 3 văn bằng (chiếm 1%). Hiện tại, tỉnh Bình Dương đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng đơn và văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội).
Thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, tạo dựng, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ nhằm mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2011-2015, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương đã tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 – 2015. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã hỗ trợ 184 tổ chức, cá nhân với 319 đơn (260 đơn nhãn hiệu, 47 đơn kiểu dáng công nghiệp, 12 sáng chế/giải pháp hữu ích) với tổng số tiền 632.933.000 đồng. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia “Giải thưởng chất lượng Việt Nam”. Kết quả: toàn tỉnh đã có 10 doanh nghiệp đạt “Giải thưởng chất lượng Việt Nam” trong đó 01 doanh nghiệp đạt giải Châu Á Thái Bình Dương, 05 doanh nghiệp đạt giải Vàng, 04 doanh nghiệp đạt giải Bạc.
Nhằm mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn nghiên cứu sáng tạo, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương tiến hành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục cho Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020. Dự kiến sau khi Chương trình được phê duyệt sẽ là một thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong hoạt động xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ vì mục tiêu đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên để có thể tận dung được cơ hội đó, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần giành sự quan tâm thoả đáng đến việc quan tâm tìm hiểu và nhận thức đúng vai trò của sở hữu trí tuệ nói chung và xây dựng tài sản trí tuệ nói riêng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp./.
Minh Đức (P.Quản lý chuyên ngành)