Ngày pháp luật “Tìm hiểu quy định của pháp luật về công tác thừa phát lại”
Về hình thức hoạt động, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định Thừa phát lại hoạt động thông qua hình thức văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng thừa phát lại là tổ chức hành nghề của thừa phát lại.
Ngày 05/10/2015, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi sinh hoạt Ngày pháp luật với chủ đề “Tìm hiểu quy định của pháp luật về công tác thừa phát lại” cho toàn thể công chức khối văn phòng Sở.
Tại buổi sinh hoạt, ông Võ Minh Trí - Chánh Thanh tra Sở KH&CN đã trình bày hệ thống các văn bản chỉ đạo thực hiện pháp luật về “Thừa phát lại” như: Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội khóa XII thực hiện chế định thừa phát lại; Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII về việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại; Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại”; Quyết định số 1531/QĐ-BTP ngày 24/6/2013 của Bộ Tư pháp về việc chọn địa phương mở rộng thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại; Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh…
Quang cảnh một góc tại buổi sinh hoạt Ngày pháp luật
Về hình thức hoạt động, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định Thừa phát lại hoạt động thông qua hình thức văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng thừa phát lại là tổ chức hành nghề của thừa phát lại. Trưởng Văn phòng thừa phát lại, là người đại diện theo pháp luật của văn phòng. Văn phòng thừa phát lại do một thừa phát lại thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng thừa phát lại do từ hai thừa phát lại trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thừa phát lại trong giai đoạn thí điểm Nghị định quy định văn phòng thừa phát lại được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Và theo quy định hiện hành, thừa phát lại được phép thực hiện việc tống đạt một số loại văn bản, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự.
Ngoài ra, theo Khoản 10, Điều 21 Nghị định 135/2013/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Điều 30 quy định thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án như “Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng thừa phát lại. Khi thực hiện việc xác minh, thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó”.
Theo Điều 6 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định những việc thừa phát lại không được làm bao gồm:
1. Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
2. Thừa phát lại không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.
3. Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
4. Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
|
Thùy Dương