Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia
Chiều 17/01/2017, tại Ủy ban nhân dân (UBND) phường Tương Bình Hiệp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ công bố Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tham dự lễ công bố gồm có: Ông Đặng Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Ngọc Đáng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Võ Văn Minh - Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một, ông Huỳnh Tấn Lợi - Bí thư phường Tương Bình Hiệp, ông Võ Trung Hiếu - Chủ tịch UBND phường Tương Bình Hiệp, ông Lê Bá Linh - Phó Chủ tịch Hiệp hội sơn mài Điêu khắc tỉnh Bình Dương cùng đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành và các nghệ nhân sơn mài làng nghề Tương Bình Hiệp.
Ông Đặng Minh Hưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trao bằng chứng nhận cho lãnh đạo phường Tương Bình Hiệp
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một 07km về phía Bắc. Là làng sơn mài từ nhiều thế kỷ nay nổi tiếng khắp nước, là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật tỉnh Bình Dương. Các sản phẩm ở làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp gồm nhiều thể loại như: sơn lộng, sơn khắc; sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc; sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng... với loại sơn truyền thống là một hỗn hợp sơn Nam Vang và sơn Phú Thọ được pha chế riêng so với các vùng khác. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, trụ vững với nghề và tiếp tục phát triển.
Đại diện Hiệp hội sơn mài Điêu khắc tỉnh Bình Dương phát biểu tiếp thu ý kiến
Những năm sau đổi mới, sơn mài Tương Bình Hiệp tiếp tục có được bước phát triển mới, sản phẩm sơn mài được xuất khẩu đi nhiều thị trường có đòi hỏi cao như thị trường Châu Âu, Châu Mỹ… Sản xuất sơn mài ở Tương Bình Hiệp trở nên sôi động, tấp nập thu hút hơn 80% tổng số hộ tham gia. Đỉnh cao của nghề làm sơn mài ở tỉnh Bình Dương là vào những năm 1945 đến 1975, với hơn 300 hộ làm nghề; trong đó có 10 cơ sở sản xuất lớn; tiêu biểu nhất có thể kể đến là Xưởng sơn mài Thành Lễ. Đây là cơ sở quy tụ được nhiều nghệ nhân nổi tiếng nhất trong vùng lúc bấy giờ như: Nghệ nhân Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trần Văn Nam…
Việc sơn mài Tương Bình Hiệp được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng làm nghề nói riêng và người dân trong tỉnh nói chung. Đây là cơ hội lớn để nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được hưởng các chính sách ưu đãi trong việc phát triển làng nghề và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc./.
Minh Đức (Phòng Quản lý chuyên ngành)