Nghị định số 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.
Theo đó, bãi bỏ Nghị định số 87/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ).
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 74/2018/NĐ-CP) như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2a Điều 7 như sau:
Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu và cam kết chất lượng hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này tại cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây viết tắt là cơ quan kiểm tra) và kèm theo các tài liệu sau: Bản sao Hợp đồng, Danh mục hàng hóa (nếu có); bản sao (có xác nhận của người nhập khẩu) vận đơn, hóa đơn, tờ khai hàng hóa nhập khẩu (nếu có); chứng chỉ chất lượng của nước xuất khẩu (giấy chứng nhận chất lượng, kết quả thử nghiệm) (nếu có); giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có), ảnh hoặc bản mô tả hàng hóa có các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa và nhãn phụ (nếu nhãn chính chưa đủ nội dung theo quy định); chứng nhận lưu hành tự do CFS (nếu có). Người nhập khẩu hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu;”
2. Sửa đổi điểm d và điểm g khoản 7 Điều 7 như sau:
- Hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ triển lãm thương mại;
- Hàng hóa, vật tư, thiết bị, máy móc tạm nhập - tái xuất không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam;”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 7 như sau:
- Sửa đổi, bổ sung quy định về Áp dụng biện pháp miễn giảm kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu như sau: Đối với hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 03 lần nhập khẩu liên tiếp, có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 02 năm.
Hồ sơ đề nghị miễn kiểm tra gồm:
- Văn bản đề nghị miễn kiểm tra với các thông tin sau: tên hàng hóa, nhãn hiệu, kiểu loại; đặc tính kỹ thuật; xuất xứ, nhà sản xuất; số lượng, khối lượng nhập khẩu theo đăng ký; đơn vị tính.
- Bản sao kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của 03 lần liên tiếp.
Người nhập khẩu khi có nhu cầu miễn giảm kiểm tra lập 01 bộ hồ sơ đề nghị miễn kiểm tra, gửi về cơ quan kiểm tra, cụ thể:
- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, bản sao các tài liệu quy định tại điểm b khoản này chưa được chứng thực thì phải có bản chính để đối chiếu;
- Trường hợp hồ sơ được gửi qua bưu điện, người nhập khẩu phải nộp bản sao được chứng thực hoặc bản sao y bản chính (có ký tên và đóng dấu) các tài liệu quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định 154/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi khoản 2 Điều 42 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ).
Theo đó, tổ chức giám định sở hữu trí tuệ phải đáp ứng điều kiện: Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ được phép hoạt động khi có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ (còn Nghị định 119/2010/NĐ-CP trước đó quy định tổ chức giám định sở hữu trí tuệ phải đáp ứng điều kiện: có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ; có trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc; có nguồn cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động giám định).
Nghị định số 154/2018/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/11/2018./.
Tải Nghị định số 154/2018/NĐ-CP tại đây.
Minh Đức