Nghị quyết 57-NQ/TW: Động lực chiến lược thúc đẩy khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia
Ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây được coi là kim chỉ nam quan trọng, tạo xung lực mới để đưa Việt Nam vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Tầm quan trọng chiến lược
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, đây không chỉ là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường mà còn là cơ hội để bứt phá trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách và chủ trương thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tốc độ phát triển chưa đạt kỳ vọng; quy mô, tiềm lực và trình độ khoa học công nghệ vẫn còn khoảng cách so với các nước tiên tiến.
Quan điểm chỉ đạo
Bộ Chính trị xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu và tạo nền tảng cho sự giàu mạnh của đất nước. Những quan điểm chỉ đạo chính bao gồm:
· Đổi mới thể chế: Hoàn thiện khung pháp luật phù hợp để khuyến khích sáng tạo, loại bỏ tư duy cản trở.
· Phát triển nguồn nhân lực: Tạo cơ chế đặc biệt thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao.
· Xây dựng hạ tầng số hiện đại: Đảm bảo hệ thống đồng bộ, an toàn, hiệu quả, phục vụ nhu cầu phát triển trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí"
· Bảo đảm an ninh mạng và dữ liệu: Bảo vệ thông tin cá nhân và tổ chức, song hành cùng quá trình chuyển đổi số.
Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2030:
o Tiềm lực khoa học công nghệ đạt mức tiên tiến, thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
o Quy mô kinh tế số chiếm ít nhất 30% GDP, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và giao dịch không tiền mặt đạt 80%.
o Kinh phí chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt 2% GDP, với hơn 60% đến từ xã hội.
- Tầm nhìn đến năm 2045:
o Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao với quy mô kinh tế số chiếm tối thiểu 50% GDP.
o Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở tại Việt Nam.
Nhiệm vụ và giải pháp: Hướng đến đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia
Bộ Chính trị đã đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW. Đây là những định hướng chiến lược, cụ thể và mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
1. Nâng cao nhận thức, thúc đẩy đổi mới tư duy và quyết tâm chính trị
- Tạo sự thống nhất cao trong toàn xã hội về tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Người đứng đầu các cấp, cán bộ, đảng viên phải trực tiếp chỉ đạo, gương mẫu thực hiện, đưa nội dung này thành tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm
- Triển khai phong trào "học tập số", phổ cập kiến thức khoa học và số hóa cho người dân, doanh nghiệp. Khơi dậy tinh thần sáng tạo, tự hào dân tộc, đồng thời kịp thời tôn vinh các nhà khoa học, sáng chế và doanh nghiệp có đóng góp nổi bật.
2. Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản phát triển
- Xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ về khoa học, công nghệ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo
- Áp dụng cơ chế thí điểm, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số.
3. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng chiến lược
- Xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại, phát triển các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Tập trung phát triển hạ tầng năng lượng, mạng viễn thông 5G, 6G, dữ liệu lớn và các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, robot và bán dẫn.
- Thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dữ liệu lớn, kinh tế số và các sàn giao dịch dữ liệu với cơ chế hợp tác công tư hiệu quả.
4. Phát triển và trọng dụng nhân tài
- Đầu tư đổi mới giáo dục và đào tạo, thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và công nghệ bán dẫn.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng mạng lưới chuyên gia khoa học trong và ngoài nước, đồng thời cải cách chính sách nhập quốc tịch, thu nhập và môi trường làm việc để thu hút nhân tài.
5. Chuyển đổi số trong hệ thống chính trị và quản trị quốc gia
- Xây dựng lộ trình chuyển đổi số toàn diện cho các cơ quan nhà nước, đảm bảo liên thông, minh bạch và hiệu quả. Đổi mới cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao trải nghiệm của người dân và doanh nghiệp
- Phát triển hệ thống giám sát, điều hành thông minh, thúc đẩy an toàn dữ liệu và bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia.
6. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp
- Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số trong nước dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và tham gia thị trường quốc tế
- Phát triển các khu công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy sản xuất thông minh trong các ngành nông nghiệp, thương mại, y tế và giáo dục.
7. Tăng cường hợp tác quốc tế
- Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia phát triển. Chủ động tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ mới, đảm bảo lợi ích quốc gia.
Kêu gọi đầu tư từ các tổ chức và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và năng lượng sạch.
Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị mà còn vạch ra lộ trình phát triển bền vững và tự chủ công nghệ. Đây là nền tảng để Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược: Trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Cùng với sự đồng hành của toàn dân, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ là bước ngoặt đưa Việt Nam tiến gần hơn tới vị thế mới trong kỷ nguyên số toàn cầu.
Thơ Mộng