Nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương
Ngày 22/12/2017, Sở Khoa học và công nghệ đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài “Bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương” do Trường Đại học Trà Vinh chủ trì thực hiện và TS. Mai Mỹ Duyên làm chủ nhiệm đề tài.
Đờn ca tài tử là loại hình âm nhạc đặc trưng của Nam Bộ, được hình thành trên nền tảng âm luật của Nhã nhạc cung đình, của Đờn ca Huế và Nhạc lễ dân gian Nam Bộ. Loại hình nghệ thuật này gắn bó với đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư 21 tỉnh thành (từ Ninh Thuận đến Cà Mau) và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và thế giới
Bình Dương là một trong những tỉnh được đánh giá là có nhiều thành tựu trong hoạt động Đờn ca tài tử ở Nam Bộ, những người con của Bình Dương đã và đang đóng góp sự sáng tạo của mình, góp phần làm giàu có di sản mà cha ông để lại.
Đầu năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kêu gọi các Bộ, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan hữu quan, cộng đồng các địa phương là chủ thể của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhân dân cả nước cùng thực hiện Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (giai đoạn 2014-2020). Theo sự chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh thành phía Nam đã xây dựng đề án, thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu những điều kiện tác động đến thành tựu cũng như hạn chế của Nghệ thuật Đờn ca tài tử ở địa phương, qua đó tìm ra những giải pháp khả thi nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản âm nhạc quý giá này.
Trong xu thế chung đó, Bình Dương đã cho triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương” với mục tiêu: Nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển, đặc trưng của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương gắn với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, văn hóa xã hội của một vùng đất. Nghiên cứu những hoạt động sáng tạo, cải tiến của những nghệ nhân tiên phong và thế hệ tiếp nối đã đóng góp vào thành tựu của Đờn ca tài tử Bình Dương. Nghiên cứu thực trạng hoạt động Đờn ca tài tử ở Bình Dương trên 03 phương diện: truyền dạy, sáng tạo và trình diễn. Nghiên cứu cách thức tổ chức và quản lý hoạt động Đờn ca tài tử ở Bình Dương. Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương.
Kết quả nghiên cứu của đề tài là sự đóng góp có hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu khoa học và cho tỉnh Bình Dương ở các mặt sau:
- Hệ thống được một phần lý luận trong nghiên cứu âm nhạc dân tộc nói chung và Đờn ca tài tử nói riêng.
- Nhận diện được chức năng, đặc trưng và giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng cư dân Bình Dương và Nam bộ.
- Đánh giá được thực trạng sáng tạo, truyền dạy và trình diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương.
- Cung cấp kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý và tổ chức hoạt động Đờn ca tài tử ở tỉnh Bình Dương.
- Đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử theo hướng bền vững có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế ở Bình Dương và xu thế phát triển của cả nước.
- Tác động và làm chuyển biến nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng về bảo vệ di sản văn hóa dân tộc trong bối cảnh xã hội hiện nay.
- Thực hiện đúng cam kết với UNESCO và Chính phủ về việc bảo tồn, phát huy và phát triển Đờn ca tài tử sau khi được công nhận là di sản văn hóa của thế giới.
Kết quả thực hiện đề tài đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh thống nhất đánh giá đạt yêu cầu. Hội đồng kiến nghị chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu của đề tài cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương để triển khai, ứng dụng trong công tác quản lý tổ chức hoạt động văn hóa - nghệ thuật nói chung và bảo tồn, phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương nói riêng một cách có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thanh Tâm (P. Quản lý Khoa học và Công nghệ)