Nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu xây dựng quy trình đánh giá tác động giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ngày 17/8/2018, Sở Khoa học và công nghệ đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình đánh giá tác động giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương” do Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện và PGS.TS. Chu Công Minh làm chủ nhiệm đề tài.
Bình Dương có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy rất quan trọng nối liền giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. Là cửa ngõ giao thương với Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế - Văn hóa của cả nước, tỉnh Bình Dương có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh…. Cách Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 km - 15 km. Thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội toàn diện.
Số lượng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng đều qua các năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ô tô trong giai đoạn từ 2012-2016 là 14,4% và của xe máy là 6,0%. Ngoài ra, các khu công nghiệp nằm dọc theo các trục đường lớn nên vào giờ tan ca một lượng lớn công nhân tập trung trước cổng các KCN cùng với các phương tiện giao thông có tải trọng lớn di chuyển với tốc độ cao đã góp phần làm tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp.
Vì vậy, cần thiết phải xây dựng một quy trình đánh giá tác động giao thông cho những công trình phát sinh nhu cầu lớn. Dựa vào kết quả của quy trình đánh giá, các nhà quản lý, nhà quy hoạch có thể xác định các nguy cơ ùn tắc tiềm tàng đối với giao thông tại khu vực công trình xây dựng tại thời điểm công trình hoàn thành và sau khi hoàn thành ở tương lai, đồng thời dựa trên các phương án xem xét giảm thiểu tác động kẹt xe để đưa ra quyết định cho phép công trình xây dựng được thực hiện hay không, xác định thời gian và quy mô công trình sao cho có tác động thấp nhất đến môi trường xung quanh.
Việc áp dụng hướng dẫn đánh giá tác động giao thông đối với các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ không chỉ làm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tình hình giao thông của dự án đó mà còn gián tiếp tác động đến lĩnh vực kinh tế-xã hội và môi trường, bởi tác động tiêu cực của tình hình giao thông luôn gắn liền với những tác động về kinh tế-xã hội và môi trường.
Các chủ đầu tư dự án khi áp dụng hướng dẫn này sẽ biết được các bước thực hiện và xây dựng Báo cáo đánh giá tác động giao thông do dự án của mình gây ra cho mạng lưới giao thông khu vực xung quanh và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động đến giao thông khu vực xung quanh dự án
Kết quả thực hiện đề tài đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh thống nhất đánh giá đạt yêu cầu. Hội đồng kiến nghị chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu của đề tài cho Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương để triển khai, ứng dụng trong công tác quản lý tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.
Thanh Tuyền - QLKH