Nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu xây dựng bộ giải pháp nâng cao an toàn giao thông đường bộ tỉnh Bình Dương
Ngày 20/4/2018, Sở Khoa học và công nghệ đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ giải pháp nâng cao an toàn giao thông đường bộ tỉnh Bình Dương” do Trường Đại học Việt Đức chủ trì thực hiện và TS. Vũ Anh Tuấn làm chủ nhiệm đề tài
Bình Dương là tỉnh có tình hình tai nạn giao thông thuộc nhóm cao nhất trong nước, tuy tình hình tai nạn giao thông trong những năm qua có xu hướng giảm nhẹ trên cả ba chỉ tiêu (số vụ, số người chết và số người bị thương) nhưng việc nâng cao an toàn giao thông vẫn là thách thức to lớn, lâu dài. So với cùng kỳ năm 2013, năm 2014 giảm 713 vụ (-20,7%), giảm 68 người chết (-17,6%) và giảm 910 người bị thương (-21,2%). Nhưng Bình Dương vẫn là tỉnh có tổng số vụ và số người bị thương lớn thứ hai cả nước (đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh) và có số người chết vì tai nạn giao thông đứng thứ ba cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội).
Để giải quyết thách thức đó, đòi hỏi phải nghiên cứu xây dựng và thực hiện bộ giải pháp toàn diện, cụ thể cho tỉnh Bình Dương, tập trung vào các giải pháp kỹ thuật, với mục tiêu cắt giảm mạnh số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương, nâng cao an toàn giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh một cách bền vững.
Hình ảnh ghi nhận tại buổi họp nghiệm thu đề tài
Đề tài đã hoàn thành mục tiêu đặt ra với các sản phẩm bao gồm:
(1) Bộ cơ sở dữ liệu chứa đựng các thông tin chi tiết về các vụ tai nạn giao thông từ mức độ nghiêm trọng trở lên xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2013 - 2016;
(2) Bản đồ điểm đen, đoạn đen và hệ cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông trên nền GIS;
(3) Các mục tiêu quản lý nâng cao an toàn giao thông được xác định cụ thể và có tính khả thi cho tỉnh Bình Dương;
(4) Khung đánh giá và bộ tiêu chí đánh giá tác động, hiệu quả của các giải pháp chính sách nâng cao an toàn giao thông;
(5) Mô hình phân tích sự thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi của người tham gia giao thông;
(6) Mô hình phân tích mức độ cắt giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các xung đột giao thông;
(7) Mô hình đánh giá hiệu quả kinh tế của các giải pháp, chính sách nâng cao an toàn giao thông;
(8) Đề xuất chỉnh sửa quy trình và biểu mẫu thu thập dữ liệu tai nạn giao thông;
(9) Các giải pháp đề xuất nâng cao an toàn giao thông cho tỉnh Bình Dương.
Kết quả thực hiện đề tài đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh thống nhất đánh giá đạt yêu cầu. Hội đồng kiến nghị chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu của đề tài cho Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương để triển khai, ứng dụng trong công tác quản lý tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.
Thanh Tuyền (P. QLKH)