Nghiệm thu đề tài: Thực trạng và giải pháp đối với tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Sáng ngày 11/7/2024, tại Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng và Hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh Bình Dương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương tổ chức nghiệm thu đề tài “Thực trạng và giải pháp đối với tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Đây là đề tài do trường Đại học Thủ Dầu Một làm chủ trì thực hiện, TS. Lương Thy Cân và CN. Trần Đức Thịnh đồng chủ nhiệm đề tài.
Quang cảnh cuộc họp
Đề tài được triển khai với mục tiêu nhằm đánh giá thực trạng tăng ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, từ đó đề xuất hệ thống giải pháp và một số kiến nghị nhằm quản lý chặt chẽ tăng ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện.
Để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát toàn bộ tăng ni cư trú trên địa bàn tỉnh thông qua phiếu hỏi. Bên cạnh đó, đề tài cũng khảo sát 483 người dân sinh sống gần các điểm có tăng ni cư trú ngoài tự viện để hiểu về mức độ tham gia và ảnh hưởng của hoạt động tôn giáo đến đời sống của họ. Song song đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 42 cuộc phỏng vấn sâu và quan sát không tham dự để thu thập thông tin chi tiết hơn về hoạt động và cơ sở vật chất tôn giáo.
TS. Lương Thy Cân báo cáo tại cuộc họp
Sau thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu đã đánh giá được thực trạng tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó nhóm cũng đã làm rõ thực trạng quản lý nhà nước của chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương đối với hoạt động tôn giáo của tăng ni cư trú ngoài tự viện; tìm hiểu thực trạng quản lý của Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện về một số vấn đề liên quan đến hoạt động tôn giáo của tăng ni cư trú ngoài tự viện. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích được xu hướng phát triển của các hoạt động Phật giáo ngoài tự viện ở Bình Dương.
Kết quả nghiên cứu về thực trạng tăng ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã phản ánh được ảnh hưởng của quá trình phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đến tôn giáo. Từ kết quả nghiên cứu đề tài, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp quản lý tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thông qua kết quả nghiên cứu, Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thống nhất thông qua.
Hoàng Anh