Nghiên cứu đa dạng và sinh thái họ Cà (Solanaceae Juss.) tại tỉnh Bình Dương
Đây là đề tài do Nguyễn Hải Vân, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bình Dương thực hiện với mục tiêu đề tài nhằm điều tra, thu mẫu, miêu tả, định danh để xác định các taxa điều tra được; các đặc tính sinh thái, sự phân bố và giá trị sử dụng (đặc biệt làm thuốc và làm thực phẩm) của các taxa trong họ Cà (Solanaceae) ở tỉnh Bình Dương.
Họ Cà có khoảng 92 chi và 2300 loài, thuộc họ phân bố toàn cầu, đa dạng nhất ở Nam Châu Mỹ có nhiều chi đặc hữu. Chi Solanum có khoảng 1500 loài.
Theo Hunziker, Gen. Solanacearum (2001) họ Cà chia làm 6 họ phụ: Cestroideae (8 tông, 23 chi, 481 loài), Juanulloideae (1 tông, 9 chi, 42 loài), Solanoideae (9 tông, 50 chi, 1727 loài), Salpiglossoideae (1 tông, 9 chi, 42 loài), Schizanthoideae (1 tông, 1 chi, 12 loài) và Anthocercidoideae (1 tông, 7 chi, 31 loài).
Họ Cà (Solanaceae) gồm cây thảo, bụi leo hay cây gỗ nhỏ cao 0.5-7m có gai, có lông hay nhẵn, đôi khi có nhựa, thuộc nhóm thực vật có hoa, bao gồm nhiều loài được dùng làm thực phẩm, cây cảnh, làm thuốc và nhiều loài có chứa glucozit dạng ancaloit có thể gây độc cho người và động vật.
Bình Dương đang là địa phương phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Chỉ vài năm gần đây Bình Dương đã và đang xây dựng rất nhiều khu công nghiệp, với những chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, quá trình này đã tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người lao động. Hệ quả là số lượng dân nhập cư tăng lên đáng kể. Do đó, diện tích đất rừng tự nhiên và đất sản xuất nông nghiệp giảm xuống với tốc độ nhanh chóng, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, làm suy giảm đa dạng sinh học nói chung và giảm sự đa dạng của giới thực vật nói riêng.
Do đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm và đất đai màu mỡ, nên rừng ở Bình Dương xưa rất đa dạng và phong phú về nhiều chủng loài. Có những khu rừng liền khoảnh, bạt ngàn. Rừng trong tỉnh có nhiều loại gỗ quý như: căm xe, sao, trắc, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương ... Rừng Bình Dương còn cung cấp nhiều loại dược liệu làm thuốc chữa bệnh, cây thực phẩm và nhiều loài động vật, trong đó có những loài động vật quý hiếm.
Hiện nay, rừng Bình Dương đã bị thu hẹp khá nhiều do bị bom đạn, chất độc hóa học của giặc Mỹ tàn phá trong chiến tranh. Trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt, Mỹ-Ngụy đã ủi phá rừng, bứng hết cây cối nhằm tạo thành những “vùng trắng”, đẩy lực lượng cách mạng ra xa căn cứ càng làm cho rừng thêm cạn kiệt. Mặt khác, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, việc khai thác rừng bừa bãi cũng làm cho rừng bị thu hẹp.
Chính vì vậy cần quan tâm và có những công trình nghiên cứu về thành phần loài, sự phân bố của các loài cũng như giá trị của các loài để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển chúng. Trong khi đó, họ Cà với nhiều loài đã thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm của mỗi gia đình người dân, nhiều loài có giá trị kinh tế cao và được sử dụng làm thuốc đang cần được quan tâm. Tuy nhiên hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về họ này ở Bình Dương.
Kết quả ghi nhận được 12 loài thuộc 8 chi trong họ Cà: Tầm bóp (Physalis angulata L.) thuộc Chi Tầm bóp; ớt (Capsicum annuum L.) thuộc Chi Ớt; Cà gai leo (Solanum procumbens Lour.), cà dại hoa trắng (Solanum torvum Sw.), cà vú dê (Solanum mammosum L.), cà pháo (Solanum album Lour.) và cà tím (Solanum melongena L.) thuộc Chi Cà; cà chua (Lycopersicon esculentum Mill.) thuộc Chi Cà chua; cà độc dược (Datura metel L.) thuộc Chi Cà độc dược; dạ lý hương (Cestrum nocturnum L.) thuộc Chi Dạ lý hương; dã yên (Petunia hybrida Vilm.) thuộc Chi Dã yên; cà hoa xanh (Brunfelsia pauciflora (Cham. & Schltdl) Benth.) thuộc Chi Cà hoa xanh.
Họ Cà chủ yếu là dạng thân thảo, phân bố nơi nhiều ánh sáng, do đó các tuyến đi thực địa sẽ phải chú ý các sinh cảnh đồng ruộng, bãi đất hoang, bờ rào, ven đường, ven sông Sài Gòn...
Các loài họ Cà có số lượng cá thể ít, rải rác trong tự nhiên chứ không tập trung nhiều như các loài khác. Do môi trường tự nhiên bị tàn phá nhiều nên chỉ còn các cá thể trong một số vườn cây được bảo vệ hay gây trồng trong vườn của các hộ gia đình (những loài hoang dại rất khó gặp). Được sử dụng làm rau ăn hoặc làm cảnh nên người ta thường thu hoạch sớm, hoặc chỉ kích thích cây ra hoa, do vậy khó gặp đủ cả hoa, quả. Đặc biệt cà gai leo từ miền trung du nhập vào nên ít khi thấy quả, người ta nhân giống bằng cách giâm cành nên ít gặp trường hợp sinh sản hữu tính. Đa số các loài trong họ Cà đều là cây ưa sáng, thích nghi đất ẩm thoát nước, cũng hay gặp ở bãi hoang khô hạn. Cây thân thảo nên mọc nhanh, mau cho thu hoạch.
Mỹ Linh (Xem toàn văn đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN)