Những điểm mới về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay chủ yếu được xử lý bằng các biện pháp hành chính. Khi tham gia Hiệp định TPP, biện pháp dân sự, hình sự có thể sẽ được áp dụng nhiều hơn. Theo đó, các hành vi cố tình giả mạo nhãn hiệu, nhập/xuất khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo, sao chép bản quyền hoặc các quyền liên quan trên quy mô thương mại có thể phải chịu các chế tài hình sự. Chủ sở hữu có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm khác.
Sau hơn 5 năm đàm phán với hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement - TPP) chính thức ký kết vào ngày 04/02/2016. Theo đó, Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) để phù hợp những cam kết trong TPP. Đặc biệt là những vấn đề về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, bản quyền và thực thi về sở hữu trí tuệ.
Ông Trần Giang Khuê - Phó trưởng văn phòng đại diện Cục SHTT TP. Hồ Chí Minh (trái) phát biểu tại hội nghị
1. Về nhãn hiệu
Theo nội dung trong TPP, nhãn hiệu cần được bảo hộ cả những dấu hiệu không nhìn thấy được như âm thanh và mùi hương. Đây là điểm mới và các nhãn hiệu hiện tại được bảo hộ tại Việt Nam chưa có. Việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi hương sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm, thỏa sức sáng tạo hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho các cơ quan quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình xử lý các tình huống liên quan đến loại nhãn hiệu này.
2. Về chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được mở rộng phạm vi bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu. Hiện nay tại Việt Nam những dấu hiệu thuộc chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ theo dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu nếu đáp ứng được các điều kiện: không gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu có sẵn, các quyền đã được chiếm hữu, chỉ dẫn địa lý không là tên gọi chung của các hàng hóa có liên quan.
TPP cũng quy định nếu CDĐL trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó hoặc nhãn hiệu nổi tiếng thì việc bảo hộ và sử dụng chỉ dẫn địa lý bị hạn chế bởi quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu. TPP cũng quy định về việc sử dụng CDĐL như sau: Chủ sở hữu một nhãn hiệu có thể ngăn cấm việc sử dụng CDĐL nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa và dịch vụ.
3. Về sáng chế
Theo TPP, chủ sở hữu bằng sáng chế có thể được yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh thời hạn của bằng sáng chế để bù đắp cho những “chậm trễ không hợp lý” xảy ra trong quá trình cấp bằng sáng chế. “Chậm trễ không hợp lý” sẽ gồm có chậm trễ trong việc cấp bằng sáng chế có thời hạn trên 05 năm từ ngày nộp đơn tại Lãnh thổ của Bên đó, hoặc 03 năm sau khi yêu cầu kiểm tra đơn đã được đưa ra, tùy vào sự kiện nào xảy ra sau.
Điều này cũng sẽ mở rộng thời hạn bảo hộ bằng sáng chế trên mức 20 năm, nghĩa là sẽ kéo dài thêm thời gian các sáng chế được đưa ra công chúng, bao gồm các sản phẩm dược.
4. Về quyền tác giả và quyền liên quan
Vấn đề chống vi phạm bản quyền và kiểm soát việc chia sẻ thông tin trên Internet, tăng cường bảo hộ các nội dung số (digital content) là điểm đáng lưu ý trong Hiệp định TPP. Việc sao chép, lưu trữ và chia sẻ các nội dung số được quy định rất chặt chẽ. Thời hạn bảo hộ cho các tác phẩm khá dài bao gồm cả thời gian sống của tác giả và 70 năm sau khi tác giả mất. Đây được xem là một sự nỗ lực kiểm soát Internet và tăng cường tính bản quyền về sở hữu trí tuệ ở quy mô toàn cầu.
5. Về xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay chủ yếu được xử lý bằng các biện pháp hành chính. Khi tham gia Hiệp định TPP, biện pháp dân sự, hình sự có thể sẽ được áp dụng nhiều hơn. Theo đó, các hành vi cố tình giả mạo nhãn hiệu, nhập/xuất khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo, sao chép bản quyền hoặc các quyền liên quan trên quy mô thương mại có thể phải chịu các chế tài hình sự. Chủ sở hữu có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm khác.
Theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại thành phố Hồ Chí Minh: “không phải ngẫu nhiên mà TPP dành riêng một trong tổng số 30 chương để đưa ra các quy định về SHTT. TPP hướng đến các tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền SHTT, có quy định cho phép xử lý hình sự những vụ việc xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền SHTT. Do việc bảo hộ cao dẫn đến những đối tượng mới sẽ được đưa vào diện bảo hộ như nhãn hiệu âm thanh, mùi vị hoặc bảo hộ đối tượng kiểu dáng công nghiệp từng phần. Đây cũng là một trong những sức ép đói hỏi doanh nghiệp phải đổi mới để thích nghi. Điều cần nhắc đến là khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sẽ đem theo các bằng sáng chế đã được bảo hộ, nếu doanh nghiệp nào vô ý hay cố ý xâm phạm quyền SHTT thì sẽ bị xử lý rất mạnh, do trong TPP các chế tài hình sự đặt ra rất nhiều”.
Minh Đức