Nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với Điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cả nước hiện có 33 tỉnh thành triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, một mô hình không chỉ có lợi với người tiêu dùng mà còn đảm bảo sức khỏe trực tiếp cho nông dân sản xuất, nhờ không sử dụng và loại trừ vật tư đầu vào hóa chất, không dùng thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc diệt cỏ hóa học, nông nghiệp biến đổi gene… nhiều mô hình sản xuất hữu cơ có hiệu quả, như: Trang trại rau củ Organic Đà Lạt; nhà máy chế biến dầu dừa Phú Hưng - Bến Tre; nhà máy chè Cao Bồ ở Vị Xuyên - Hà Giang; nhà máy đường TT ở Tân Châu - Tây Ninh…
Nắm xu thế tiêu dùng hiện nay, thị trường sản phẩm nông nghiệp đã xuất hiện nhiều loại sản phẩm đóng nhãn, mác thực phẩm hữu cơ, nhưng có thực sự phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hay không? có đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm hay không? Điều này đã khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Chính vì vậy, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và sẽ có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018. Trong đó, ưu tiên áp dụng các chính sách đã ban hành cho phát triển nông nghiệp hữu cơ: Ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc.
Song song đó, sản phẩm hữu cơ phải được đánh giá phù hợp TCVN theo phương thức đánh giá, giám sát quá trình sản xuất và thử nghiệm mẫu điển hình lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường khi nghi ngờ việc sử dụng vật tư đầu vào ngoài danh mục cho phép tại TCVN về nông nghiệp hữu cơ hoặc sản phẩm nhiễm kim loại nặng, vi sinh vật gây hại vượt quy định, quy chuẩn kỹ thuật.
Sản phẩm “100% hữu cơ” và sản phẩm “hữu cơ” có ít nhất 95% thành phần hữu cơ được chứng nhận phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ được mang lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Lô gô của cơ sở được sử dụng đồng thời với lô gô hữu cơ Việt Nam. Cơ sở phải ghi chép, lưu giữ hồ sơ, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại từng công đoạn sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn tại TCVN về nông nghiệp hữu cơ.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là tất yếu để bắt kịp xu thế của thế giới. Chúng ta không nên lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ, đưa đến hậu quả mà ai cũng thấy, đó là đất đai bị thoái hóa. Quản lý thực vật ngày càng kém hiệu quả, nông sản không an toàn, chúng ta không thể cứ đổ mãi hóa chất, thuốc BVTV xuống đất, hãy trả lại hữu cơ cho đất !
Trần Hồng Phước