Phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học ở huyện Bắc Tân uyên
Giáo dục và đào tạo có chức năng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nguồn nhân tài cho đất nước, góp phần quan trọng phát huy tiềm năng của con người và phát triển con người. đội ngũ giáo viên luôn được xem là lực lượng cốt cán của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, là nhân tố quan trọng nhất quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục, biến mục tiêu giáo dục của Đảng thành hiện thực.
Huyện Bắc Tân Uyên được thành lập theo Nghị quyết 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ trên cơ sở chia tách huyện Tân Uyên để thành lập thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Huyện đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2014, là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Dương hiện có 08/10 xã khó khăn. Xây dựng và đào tạo đội ngũ giáo viên Tiểu học đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và phát triển kinh tế xã hội luôn là một trong những nhiệm vụ cấp thiết không chỉ của ngành giáo dục và đào tạo huyện, mà còn là của cấp Đảng và chính quyền huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Để phát triển đội ngũ giáo viên các trường Tiểu học ở huyện Bắc Tân Uyên, tác giả Nguyễn Tấn Anh trong đề tài Phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã đưa ra một số biện pháp như:
- Nâng cao nhận thức về công tác phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học trong giai đoạn mới: Để thay đổi thực tiễn công tác phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo toàn diện, vấn đề đầu tiên là phải tác động đến cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên và các lực lượng xã hội có được nhận thức đúng đắn về vai trò, mục đích, tầm quan trọng cũng như những vấn đề đang tồn tại trong thực trạng của công tác phát triển đội ngũ.
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học: Có ý nghĩa quan trọng, là khởi nguồn, là căn cứ giúp UBND huyện, phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng các trường Tiểu học xây dựng được kế hoạch cho từng khâu, từng giai đoạn phát triển cụ thể, tạo thế chủ động trong điều hành, để giáo nói chung, đội ngũ tiểu học nói riêng phát triển bền vững, phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
- Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng và bố trí phù hợp đối với đội ngũ giáo viên nhằm phát huy tối đa sức mạnh nội lực, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ giáo viên trong các trường.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp dạy học, giáo dục và đạo đức tác phong theo chuẩn giáo viên tiểu học và đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá đội ngũ giáo viên nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của từng giáo viên để khẳng định cái tốt, tìm ra những hạn chế, thiếu sót để điều chỉnh rút kinh nghiệm tiếp tục bồi dưỡng để đạt chuẩn.
- Xây dựng và hoàn thiện chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên không chỉ động viên, khích lệ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà còn góp phần tạo động lực phát triển đội ngũ giáo viên, làm cho tổ chức ngày càng phát triển.
Thái Tân (Nguồn: Nguyễn Tấn Anh, Phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)