Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Kinh nghiệm các quốc gia Châu Á và bài học cho vùng thành phố Hồ Chí Minh
Đó là chủ đề hội thảo khoa học quốc tế viễn cảnh Đông Nam bộ - lần 1 được diễn ra từ ngày 06/12 đến ngày 08/12/2018 tại Trường Đại học Thủ Dầu Một Bình Dương.
Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu đến từ nhiều lĩnh vực và nhóm đối tượng khác nhau bao gồm: Các chuyên gia là khách mời đến từ các trường đại học Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,…; Đại diện ngoại giao Lãnh sự quán Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Đài Loan; Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành phố; Lãnh đạo các trường đại học tại Việt Nam; Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted); Đại diện các doanh nghiệp thuộc vùng Thành phố Hồ Chí Minh; Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở khu vực phía Nam; Các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương; Các nhà khoa học và những người quan tâm đến hội thảo.
Đại biểu tham dự hội nghị
Theo đó, nội dung hội thảo sẽ được chia thành 03 tiểu ban và mỗi tiểu ban có sự tham dự của hơn 70 đại biểu với những nội dung chính về:
- Tiểu ban 1 - Giáo dục và Khoa học công nghệ: Kinh nghiệm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp trong bối cảnh mới; Các doanh nghiệp tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho lao động: Tình hình trong các doanh nghiệp thuộc vùng Thành phố Hồ Chí Minh và kinh nghiệm của các doanh nghiệp ở châu Á; Hợp tác quốc tế (khu vực châu Á) trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; Các công nghệ mới của thế giới và những tác động của chúng đối với nền kinh tế châu Á; Chiến lược phát triển các công nghệ mới của thế giới tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới; Những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm của việc ứng dụng các công nghệ mới trên thế giới trong phát triển doanh nghiệp tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
- Tiểu ban 2 - Quản lý, chính sách và kinh tế: Kinh nghiệm xây dựng mô hình quản lý nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; Chính sách quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của chính quyền địa phương và doanh nghiệp; Chiến lược thu hút, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các doanh nghiệp hiện đại; Dự báo về nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tiểu ban 3 - Khoa học xã hội và nhân văn: Thực trạng đời sống (kinh tế, văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, tâm lý,…) của người lao động tại các doanh nghiệp trong xu thế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Những vấn đề an sinh xã hội và xây dựng văn hóa trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Hội thảo sẽ là nơi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về vấn đề nguồn nhân lực của các quốc gia trong khu vực châu Á và trên thế giới; Kết nối các học giả, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương hướng đến một nhận thức chung về vấn đề nguồn nhân lực trong bối cảnh công nghiệp 4.0, từ đó xây dựng những giải pháp hữu hiệu với sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan. Và xây dựng hệ sinh thái tri thức với sự phối hợp giữa các bên liên quan để từng bước hiện thực hóa tầm nhìn cho sự phát triển nguồn nhân lực của vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo này do Trường Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (USSH-VNU-HCM); Khu Công nghệ Phần mềm - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ITP-VNU-HCM) phối hợp với Đại học Hiroshima (Nhật Bản), Đại học Chulaloncon (Thái Lan), Đại học Quốc gia Thành Công (Đài Loan), Đại học Quốc gia Chi Nan (Đài Loan) tổ chức.
Thanh Thanh