Phát triển sản xuất một số loại nấm ăn có giá trị theo hướng nông nghiệp đô thị thay thế chăn nuôi tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương
Ngày 12/7/2018, Ủy Ban nhân dân thị xã Thuận An đã tổ chức họp Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn xét chọn nhiệm vụ “Phát triển sản xuất một số loại nấm ăn có giá trị theo hướng nông nghiệp đô thị thay thế chăn nuôi tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương” do TS. Bùi Xuân Khôi và ThS. Nguyễn Thị Phi Khanh làm chủ nhiệm và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp bền vững chủ trì thực hiện.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, nguồn phế phụ phẩm từ nông, lâm nghiệp (rơm, rạ, mùn cưa, bã mía, thân ngô, lõi ngô…) phong phú (đạt mức trên 40 triệu tấn/năm), điều kiện khí hậu (nhiệt, ẩm độ…) thích hợp để phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 phê duyệt Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, trong đó sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu là một trong 09 sản phẩm được ưu tiên phát triển.
Thị xã Thuận An có nhu cầu tái cơ cấu lao động do quá trình phát triển các khu công nghiệp và đô thị hóa tạo ra, vì thế việc mở một mô hình trồng nấm có quy mô tương đối khép kín sẽ trở thành mô hình thu hút đầu tư của người dân địa phương và sử dụng nguồn nhân lực này. Mặc khác do sự phát triển công nghiệp và quá trình đô thị hóa, nhu cầu về các loại rau sạch trong đó có nấm là rất lớn.
Hiện nay, người dân thị xã Thuận An nói riêng và Bình Dương nói chung đã có thể nuôi trồng, sản xuất các loại nấm theo quy mô gia đình. Tuy nhiên, để các cơ sở này tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, cần xây dựng mô hình trồng nấm có khả năng cung cấp các bịch phôi nấm đạt chuẩn sạch bệnh cho nông dân và thu mua nấm tươi chế biến cung cấp cho thị trường tại địa phương, TP.HCM và hướng đến xuất khẩu…
Việc triển khai mô hình “Phát triển sản xuất một số loại nấm ăn có giá trị theo hướng nông nghiệp đô thị thay thế chăn nuôi tại thị xã Thuận An” là định hướng phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị của thị xã Thuận An.
Nhiệm vụ hướng đến mục tiêu triển khai mô hình sản xuất nấm bào ngư xám thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất tăng hơn > 20% và hiệu quả kinh tế tăng >15% so với sản xuất thông thường. Mô hình sản xuất nấm Hoàng đế đạt tiêu chuẩn VietGAP, hiệu quả kinh tế tăng > 40% so với sản xuất các loại nấm khác (nấm bào ngư, nấm rơm…); Mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nấm bào ngư và nấm Hoàng đế; Hoàn thiện quy trình sản xuất nấm bào ngư và nấm Hoàng đế thương phẩm qui mô hộ gia đình theo tiêu chuẩn VietGAP ở thị xã Thuận An; Nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất nấm bào ngư và nấm Hoàng đế thương phẩm cho cán bộ kỹ thuật và nhà vườn trên địa bàn thị xã Thuận An.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần triển khai thực hiện một số nội dung sau:
- Xây dựng mô hình sản xuất nấm bào ngư thương phẩm quy mô hộ gia đình theo tiêu chuẩn VietGAP.
- Xây dựng mô hình sản xuất nấm Hoàng đế thương phẩm quy mô hộ gia đình theo tiêu chuẩn VietGAP
- Chuyển giao kỹ thuật
- Hoàn thiện quy trình sản xuất nấm bào ngư và nấm Hoàng đế thương phẩm quy mô hộ gia đình theo tiêu chuẩn VietGAP
Thanh Tùng (P. QLKHCN CS)