Phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Thị trường khoa học và công nghệ là nơi mua bán, giao dịch các loại sản phẩm hàng hóa khoa học và công nghệ, là loại hàng hóa đặc biệt hàm chưa nhiều trí tuệ và không ngừng phát triển, chính vì vậy thị trường khoa học và công nghệ có vị trí quan trọng và là tất yếu khách quan phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay, trên cả nước có 11 sàn giao dịch công nghệ được thành lập và đi vào hoạt động ở 10 tỉnh thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Bình, Nghệ An, Bắc Giang, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương và Sàn giao dịch công nghệ Quốc gia. Hầu hết các sàn giao dịch công nghệ là đơn vị sự nghiệp, được đảm bảo kinh phí ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động thường xuyên. Các sàn có xu hướng triển khai theo cả phương thức sàn thực và sàn ảo; 47 vườn ươm công nghệ; 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ; 07 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (06 tổ chức thuộc tư nhân hoặc khu vực nước ngoài và 01 tổ chức khu vực công).
Tính đến tháng 12/2016, cả nước có 250 doanh nghiệp (tỉnh Bình Dương có 03 doanh nghiệp) được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin và truyền thông, dược, năng lượng mặt trời, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy - tự động hóa và công nghệ môi trường. Đây là các lĩnh vực quan trọng, chủ lực, trọng điểm có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Nhìn chung thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam phát triển thuận lợi với nhu cầu trao đổi, mua bán công nghệ trong xã hội và doanh nghiệp ngày càng sôi động, hoạt động kết nối cung cầu công nghệ ở các địa phương ngày càng được chú trọng phát triển. Mạng lưới các tổ chức trung gian tư vấn, đánh giá, môi giới chuyển giao công nghệ được hình thành và phát triển mạnh, hành lang pháp lý vận hành thị trường ngày càng hoàn thiện hơn liên quan đến định giá tài sản trí tuệ, phân chia lợi nhuận sau khi thương mại hóa, các tổ chức trung gian… Hệ thống bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sáng tạo, mở rộng thị trường trên toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường khoa học và công nghệ cũng còn gặp nhiều khó khăn về các cơ chế chính sách cụ thể, trình độ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, đầu tư cho khoa học và công nghệ, mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường... Doanh nghiệp chưa thể hiện được vai trò là chủ thể chính của thị trường khoa học và công nghệ. Vai trò của các tổ chức trung gian, đặc biệt là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ.
Để phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 vào năm 2013; năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 59 để hướng dẫn quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020… Nhiều chương trình, hoạt động cũng được triển khai tại các tỉnh thành để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ của địa phương tập trung vào một số giải pháp như:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về đổi mới công nghệ, đào tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Tổ chức các hội chợ, triễn lãm kết nối cung cầu, hỗ trợ thông tin đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, tìm kiếm công nghệ, chuyển giao công nghệ; nghiên cứu thị trường, xác định đối tượng tiềm năng; phát triển dịch vụ công nghệ và thiết bị công nghệ.
Hỗ trợ hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ vốn vay; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo cho các nhà đầu tư mạo hiểm có môi trường kinh doanh an toàn và hợp pháp, có quy định khuyến khích thành lập các công ty đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có chính sách miễn, giảm thuế đối với hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Nguyễn Nhi