Phê duyệt Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án).
Đề án này hướng đến mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường. Xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
- Đổi mới, sửa đổi chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp: Xây dựng, ban hành Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; xây dựng, ban hành bổ sung chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đo lường; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đo lường;…
- Tăng cường phát triển hạ tầng đo lường quốc gia: Phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để phục vụ nhu cầu về đo lường của doanh nghiệp…
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường: Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về công tác quản lý hoạt động đo lường; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực.
- Triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa: Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến trong quá trình sản xuất theo quy định pháp luật hiện hành.
- Tăng cường hợp tác quốc tế: Tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường; đẩy mạnh trao đổi, hợp tác nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ với các cơ quan, tổ chức đo lường quốc gia/nền kinh tế trong khu vực và thế giới; mở rộng tham gia đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương và đa phương nhằm thừa nhận lẫn nhau kết quả đo, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, sản phẩm hàng hóa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại…
- Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động đo lường: Tổ chức diễn đàn đo lường doanh nghiệp Việt Nam thường niên, hội nghị khoa học kỹ thuật đo lường toàn quốc định kỳ 5 năm và các hội nghị, hội thảo liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về hoạt động đo lường nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đo lường.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Thảo Nguyên