Phê duyệt đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ
Ngày 12/12/2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã ký ban hành Quyết định Phê duyệt đề án "Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ đến năm 2030". Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là từng bước hình thành văn hoá sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Mục tiêu chung của "Đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030" (đề án) là sự cụ thể hóa mục tiêu và những quan điểm chỉ đạo của Chiến lược SHTT đến năm 2030. Trong đó, tập trung đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền về SHTT nhằm khẳng định vai trò, nâng cao nhận thức về SHTT.
Khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT đến các cơ quan quản lý các cấp, các ngành và trong toàn xã hội. Từng bước hình thành văn hóa SHTT trong xã hội, góp phần thực hiện thành công Chiến lược SHTT đến năm 2030 phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục tiêu cụ thể của đề án hướng tới việc xây dựng được kế hoạch tuyên truyền trung hạn, dài hạn nhằm lan tỏa các thông điệp, nội hàm về SHTT trong các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển SHTT. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng và ứng dụng các hình thức truyền thông mới, phù hợp nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức về SHTT của các chủ thể để hướng đến hình thành văn hoá SHTT.
Đồng thời, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT. Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về SHTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học.
Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học với các cơ quan thông tấn, báo chí cũng như đa dạng hóa và đổi mới hoạt động truyền thông SHTT.
Đề án được triển khai đồng bộ tại Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị trực thuộc Bộ đến năm 2030. Đối tượng hướng đến là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những nhà hoạch định chính sách; các bộ, ngành, địa phương; sở khoa học và công nghệ và các sở, ngành liên quan tại các địa phương; các tổ chức khoa học và công nghệ; viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân là đối tượng quyền SHTT; các cơ quan báo chí, truyền thông.
Nội dung tuyên truyền bao gồm: tuyên truyền về chính sách phát triển hoạt động SHTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với SHTT; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; hoạt động tạo ra TSTT, khai thác, phát triển TSTT và SHTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó là tuyên truyền về các hoạt động hỗ trợ liên quan đến SHTT, từng bước hình thành văn hoá SHTT trong xã hội; về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số gắn với hoạt động SHTT phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và xu hướng của khu vực và quốc tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra các giải pháp thực hiện đề án. Bao gồm: nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động truyền thông khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới phương thức và tăng cường tuyên truyền SHTT; hình thành và phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên tuyên truyền SHTT và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền SHTT.
Hoàng Anh