Ngày 15/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 45/2014/QĐ-TTg về Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là một trong những chính sách ưu đãi của Chính phủ để thu hút lực lượng cán bộ giỏi vào làm trong lĩnh vực NLNT, góp phần thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trong chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hoà bình của Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quan trọng cần tính đến. Điều này lại đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đã quyết định chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) với mục tiêu đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2020. Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ của dự án ĐHN đòi hỏi nhiều yếu tố trong đó yếu tố nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng.
Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia có trình độ cao đáp ứng yêu cầu của chương trình phát triển ĐHN và yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử ở mỗi quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia bắt đầu xây dựng NMĐHN đầu tiên.
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT nói chung và điện hạt nhân nói riêng của nước ta hiện nay chưa đáp ứng đủ yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta đang thiếu các chuyên gia trình độ cao về công nghệ và an toàn điện hạt nhân cả của cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân và Cơ quan pháp quy hạt nhân. Đây là hai chủ thể quan trọng nhất hiện nay trong chương trình phát triển điện hạt nhân của nước ta.
Cùng với chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong lĩnh vực NLNT, Chính phủ cũng đã ban hành chính sách đối với người học trong các chuyên ngành NLNT nhằm thu hút các sinh viên giỏi vào học các chuyên ngành NLNT. Như vậy, với hai cơ chế chính sách cho người học và cho người làm việc trong lĩnh vực NLNT, chúng ta hy vọng trong thời gian sớm nhất Việt Nam sẽ có thể có được những cán bộ giỏi làm việc trong lĩnh vưc NLNT đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của chương trình phát triển điện hạt nhân.
Theo kế hoạch Việt Nam sẽ có 10.700 MW điện hạt nhân vào năm 2030 và một lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới công suất 10-15 MW trước năm 2020 cùng với các cơ sở bức xạ mà hiện chúng ta đang có cũng như việc đầu tư thêm các cơ sở bức xạ mới hàng năm với tốc độ tăng trưởng bình quân như hiện nay (khoảng 1000 giấy phép cho các công việc bức xạ được cấp hàng năm). Đến năm 2020 thì các dự án điện hạt nhân đang trong quá trình xây dựng, còn dự án lò phản ứng nghiên cứu mới đã hoàn thành đi vào hoạt động.Các hạ tầng về an toàn phải có đến năm 2020 sẽ bao gồm: Năng lực thanh tra an toàn, an ninh được bảo đảm cho đến giai đoạn xây dựng nhà máy điện hạt nhân; Trung tâm điều hành ứng phó sự cố trung ương và Trung tâm điều hành ứng phó sự cố tại địa điểm (off-site center) đã phải có và đi vào hoạt động; năng lực kỹ thuật ứng phó sự cố và thiết bị điều hành ứng phó di động của cơ quan pháp quy đã được thiết lập; mạng lưới quan trắc phóng xạ và hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường on-line của cơ quan pháp quy đã được thiết lập; năng lực về đào tạo đáp ứng yêu cầu của Cơ quan pháp quy và các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân; năng lực thẩm định an toàn, an ninh đáp ứng được một phần, còn vẫn phải sử dụng tư vấn quốc tế. Với thực tế như trên nhu cầu về nguồn nhân lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân nói riêng và ngành năng lượng nguyên tử nói chung sẽ rất cấp thiết và cần phải xây dựng một lộ trình rất chi tiết cho việc đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực nhằm tránh sự thiếu hụt mà thực tế đã nhìn ra.
Theo Quyết định số 45/2014/QĐ-TTg về Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ, thì mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính trên mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) gồm 4 mức sau đây: 1- Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với người làm việc trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ; 2- Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với người làm việc hành chính, phục vụ trực tiếp tại các cơ sở mà có nguy cơ nhiễm xạ; 3- Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với người làm việc gián tiếp, không thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ; 4- Mức phụ cấp 20% áp dụng với người làm việc hành chính, phục vụ không thuộc đối tượng quy định tại mức 2 nêu trên.
Tuy nhiên, với đối tượng áp dụng là công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (lao động hợp đồng dài hạn), thì dường như mục đích của chính sách này nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ chưa thực sự đạt được như mong muốn vì còn có những đối tượng chưa được hưởng mặc dù họ cũng làm việc trong lĩnh vực NLNT. Tuy nhiên, đây là một sự cố gắng rất lớn của lãnh đạo Bộ KH&CN để bảo đảm trước mắt cho cán bộ của Bộ được hưởng chế độ ưu đãi đã được quy định trong Luật NLNT năm 2008. Từng bước sẽ xem xét và kiến nghị Chính phủ bổ sung các đối tượng được hưởng theo quy định của Luật NLNT.
Là một trong 3 đơn vị được quy định trong Quyết định trên, Cục An toàn bức xạ hạt nhân chỉ có ½ số người đang làm việc sẽ thuộc đối tượng được hưởng các ưu đãi nghề nghiệp theo Quyết định. Còn lại ½ sẽ không thuộc đối tượng ưu đãi này, trong khi hầu hết đối tượng không được hưởng này là cán bộ bộ trẻ. Như vậy, rất khó để giữ chân số cán bộ trẻ này lại để phục vụ lâu dài trong ngành trong khi thực tế về chỉ tiêu biên chế rất hạn chế, hầu như không có từ năm 2009 đến nay. Đây là vấn đề mà lãnh đạo Cục ATBXHN cũng cần phải xem xét để bảo đảm có được sự công bằng giữa các cán bộ trong cơ quan không phân biệt là biên chế hay hợp đồng vì thực tế công việc của họ là như nhau.
Nhu cầu nhân lực cần thiết cho Cục ATBXHN đến 2020, được đánh giá trên cơ sở hoạt động thực tiễn của Cục trong những năm qua và tham khảo kinh nghiệm của các nước có ĐHN ở quy mô nhỏ và tham khảo các tài liệu hướng dẫn của IAEA, được đánh giá khoảng 250 người, so với số biên chế hiện có, thì đến năm 2020 cần tuyển dụng thêm khoảng 206 người. Như vậy, từ nay đến 2020, trung bình hằng năm, Cục sẽ cần tuyển dụng thêm 35 người. Để có thể tuyển dụng được cán bộ đáp ứng yêu cầu của Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia, Cục ATBXHN đang xây dựng đề án vị trí việc làm của Cục đến năm 2020 trình Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ phê duyệt. Trên cơ sở đó Cục sẽ được bổ sung đủ các chỉ tiêu biên chế công chức và viên chức. Chỉ có như vậy thì các cán bộ trẻ được tuyển dụng vào Cục mới được hưởng các ưu đãi nêu trên của Quyết định số 45.
Quyết định 45/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng là một tin vui với cán bộ ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhưng với những rào cản về chỉ tiêu biên chế hiện nay thì mục tiêu “thu hút lực lượng cán bộ giỏi vào làm trong lĩnh vực NLNT, góp phần thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của Quyết định này khó có thể thực hiện được nếu như các cơ quan quản lý các cấp không sớm phê duyệt đề án vị trí việc làm của các cơ quan về NLNT, đặc biệt đề án vị trí việc làm của Cơ quan pháp quy hạt nhân, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý an toàn, an ninh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cục ATBXH