Quy định nội dung, cách ghi đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu.
Ngày 14/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu, cách ghi xuất xứ, định lượng, thông tin cảnh báo trên nhãn hàng hóa. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017 và bãi bỏ Nghị định 89/2006NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
1. Những nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa
Nhãn hàng hóa phải thể hiện những nội dung sau:
- Tên hàng hóa;
- Xuất xứ hàng hóa;
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
- Những nội dung khác tùy vào tính chất loại hàng hóa. (Điển hình như nhãn hàng hóa đối với thực phẩm phải có định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; nhãn hàng hóa đối với rượu phải ghi định lượng, hàm lượng etanol, hạn sử dụng (nếu có), hướng dẫn bảo quản, cảnh báo, mã nhận diện lô).
2. Ngày sản xuất, hạn sử dụng được ghi trên nhãn hàng hóa
Ngày sản xuất và hạn sử dụng được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch.
Trường hợp bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng mà nhãn hàng hóa đã ghi ngày sản xuất thì được phép ghi hạn sử dụng là khoảng thời gian kể từ ngày sản xuất, nếu nhãn hàng hóa đã ghi hạn sử dụng thì được phép ghi ngày sản xuất là khoảng thời gian trước sử dụng.
Đối với hàng hóa được san, chiết, đóng gói thì phải thể hiện ngày san, chiết, đóng gói và hạn sử dụng được tính từ ngày sản xuất.
3. Những thông tin bắt buộc thể hiện đối với hàng hóa dạng rời hoặc hàng hóa có bao bì đóng gói đơn giản
Những hàng hóa có bao bì đóng gói đơn giản, hàng hóa dạng rời ví dụ như phụ gia thực phẩm, hóa chất, bán trực tiếp cho người tiêu dùng phải được công khai những thông tin sau:
- Tên hàng hóa;
- Hạn sử dụng;
- Tên cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa;
- Hướng dẫn sử dụng;
- Cảnh báo an toàn (nếu có).
4. Xuất xứ và thông tin cảnh báo trên nhãn hàng hóa
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm ghi xuất xứ hàng hóa (nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa) theo quy định về xuất xứ hàng hóa hoặc Hiệp định mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, thông số kỹ thuật và thông tin cảnh báo phải tuân thủ quy định của pháp luật (nếu có) như: Hàng điện, điện tử, máy móc, thiết bị phải ghi thông số kỹ thuật. Hàng thuốc dùng cho người, vắc xin phải ghi chỉ định, cách dùng, chống chỉ định, số đăng ký lưu hành, dạng bào chế, quy cách đóng gói,...
5. Cách thể hiện một số giá trị đại lượng đo, đơn vị đo được dùng để ghi định lượng trên nhãn hàng hóa
STT
|
ĐƠN VỊ ĐO
|
CÁCH THỂ HIỆN
|
1
|
Đơn vị đo khối lượng
|
kilôgam (kg), gam (g), miligam (mg), microgam (µg).
|
2
|
Đơn vị đo thể tích
|
lít (l hoặc L), mililít (ml hoặc mL); microlít (µl hoặc µL).
|
3
|
Trường hợp hàng hóa ở trạng thái rắn thì dùng đơn vị đo thể tích
|
mét khối (m3), decimét khối (dm3), centimét khối (cm3), milimét khối (mm3).
|
4
|
Đơn vị đo diện tích
|
mét vuông (m2), decimét vuông (dm2), centimét vuông (cm2), milimét vuông (mm2).
|
5
|
Đơn vị đo độ dài
|
mét (m), decimét (dm), centimét (cm), milimét (mm).
|
Ghi giá trị đại lượng đo: Khi thể hiện giá trị đại lượng đo, ký hiệu đơn vị đo phải đặt sau trị số, giữa hai thành phần này phải cách nhau một dấu cách như: 20 kg (không viết là 20kg hoặc 20 kg); 31,154 m (không viết là 31 m 15 cm 4 mm)...
6. Điều khoản chuyển tiếp
Hàng hóa có nhãn đúng quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa đã được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa đó.
Nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa đúng quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP đã được sản xuất, in ấn trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng, nhưng không quá 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Minh Đức