Quy định về việc đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ngày nay, công nghệ đã trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế. Thực thế cho thấy kết quả tăng trưởng kinh tế đến từ việc tăng cường các yếu tố sản xuất hoặc cải tiến công nghệ hoặc sự kết hợp của cả hai.
Các nước phát triển tiến hành phần lớn các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R & D) để tạo ra công nghệ và những cải tiến mới. Những công nghệ này sau đó lan rộng khắp thế giới thông qua nhiều kênh như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI), cấp phép, nhượng quyền, mua bán, chuyển giao hoặc thông qua sự chuyển động của lực lượng lao động - những người được tiếp cận với công nghệ mới sau đó nhân rộng chúng đến những nơi khác...
Chuyển giao công nghệ là một chủ đề rất được các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài trợ quốc tế và các doanh nghiệp quan tâm bởi mối quan hệ chặt chẽ giữa chuyển giao công nghệ và tăng trưởng kinh tế. Chuyển giao công nghệ không đơn thuần là chuyển giao phần cứng (máy móc, thiết bị,..) mà còn bao gồm cả cách thức sử dụng, bí quyết kỹ thuật. Các đối tượng có nhu cầu chuyển và nhận công nghệ sẽ tiến hành xây dựng hợp đồng chuyển giao công nghệ để thực hiện việc chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, rất nhiều các doanh nghiệp, các đối tượng chuyển và nhận công nghệ vẫn chưa hiểu rõ về Hợp đồng chuyển giao công nghệ và việc đăng ký chứng nhận các Hợp đồng này theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017.
Để giải đáp một số thắc mắc xoay quanh vấn đề về Hợp đồng chuyển giao công nghệ mà các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thường quan tâm, ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương đã có những chia sẻ thông qua chương trình Pháp luật và Cuộc sống trên Đài truyền hình Bình Dương.
Để theo dõi nội dung chương trình, mời bạn đọc nhấn vào đường link: http://btv.org.vn/tin-tuc/can-quan-ly-chat-che-cac-hoat-dong-chuyen-giao-cong-nghe-33078.html
Nội dung chương trình có thể xem lại trong phần dưới đây:
1. Ông vui lòng giới thiệu một chút về Luật chuyển giao công nghệ 2017 đến quý vị khán giả của chương trình?
Ngày 19 tháng 6 năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật số 07/2017/QH14 về Chuyển giao công nghệ, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 và thay thế Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11.
Luật này quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài vào Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước; các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.
Luật được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ.
Để hiểu rõ hơn về Luật, những quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, các bạn có thể tham khảo Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của ngày 15/5/2018 Chính phủ.
2. Xin ông cho biết đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động chuyển giao công nghệ thì có bắt buộc phải đăng ký chứng nhận với cơ quan quản lý nhà nước không?
Theo Luật Chuyển giao công nghệ 2006, nhà nước chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc việc đăng ký chứng nhận Hợp đồng chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, trong Luật CGCN 2017, những trường hợp sau bắt buộc phải thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, bao gồm:
- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam
- Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài
- Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng khuyến khích các trường hợp ký kết hợp đồng chuyển giao không thuộc nhóm bắt buộc đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ với cơ quan quản lý.
3. Theo quy định của pháp luật, trường hợp chuyển giao công nghệ cần phải được cấp giấy đăng ký thì thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ được thực hiện như nào, thưa ông?
Trong trường hợp phải đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký văn bản giao kết chuyển giao công nghệ, bên nhận công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ trong nước hoặc bên giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài thay mặt các bên phải gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
Đối với thỏa thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày 01 tháng 7 năm 2018, sau khi Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực, nếu các bên có nhu cầu đăng ký chuyển giao công nghệ hoặc đăng ký gia hạn chuyển giao công nghệ thì trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 và quy định của Nghị định 76/2018/NĐ-CP. Những trường hợp này không quy định phải đăng ký trong thời hạn 90 ngày.
4. Hồ sơ đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ gồm những gì và thời hạn giải quyết trong bao lâu, thưa ông?
Hồ sơ đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ khá đơn giản, gồm:
– Đơn đề nghị đăng ký chuyển giao công;
– Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng;
– Bản sao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép kinh doanh,…) của các bên tham gia chuyển giao công nghệ;
– Giấy xác nhận tư cách pháp lý của người đại diện các bên tham gia hợp đồng;
– Bản sao chứng thực Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với chuyển giao công nghệ có sử dụng vốn nhà nước;
– Giấy ủy quyền (trong trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ).
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký văn bản giao kết chuyển giao công nghệ, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ?
Đối với chuyển giao công nghệ thông qua thực hiện dự án đầu tư
– Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư tại Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công và dự án đầu tư ra nước ngoài;
– Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công; dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thuộc trường hợp phải có quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; trường hợp tự nguyện đăng ký theo quy định.
Đối với chuyển giao công nghệ độc lập và hình thức khác theo quy định của pháp luật
– Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
– Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước và trường hợp tự nguyện đăng ký đối với chuyển giao công nghệ trong nước.
Đối với chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng hoặc chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách đặc biệt cho quốc phòng, Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
6. Nếu các tổ chức, cá nhân có hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc nhóm đối tượng phải đăng ký chứng nhận Hợp đồng chuyển giao công nghệ, mà không tiến hành đăng ký thì có bị xử phạt không thưa ông? Nếu có thì quy định về xử phạt như thế nào?
Ngày 13 tháng 6 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.
Theo Nghị định này, quy định xử phạt không chỉ áp dụng với các trường hợp không tiến hành đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ, mà còn cả với các trường hợp sau:
- Không gửi báo cáo thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ
- Vi phạm trong việc đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ, thực hiện đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ, cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ
- Vi phạm trong kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ
- Vi phạm trong việc lập và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ trong điều, khoản, phụ lục của hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư,…
Các hình thức xử phạt bao gồm:
- Phạt tiền
- Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ,
- Và các hình thức phạt khác
Tùy theo mức độ vi phạm mà mức phạt có thể lên đến 50 triệu đồng
Riêng đối với các trường hợp bắt buộc phải đăng ký chứng nhận HĐ CGCN mà không tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước, thì sẽ bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.
7. Xin ông cho biết hiện nay có các chính sách ưu đãi đối với hoạt động chuyển giao công nghệ không?
Đối với những doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ thì được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 76/2018/NĐ-CP, bao gồm:
– Có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
– Có hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ);
– Công nghệ được chuyển giao thuộc dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư.
Hình thức hỗ trợ
– Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ;
– Hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp.
Ngoài ra, Căn cứ theo Khoản 21 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.
Thu Hà – Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ