Sản xuất chế phẩm sinh học từ tế bào gốc màng ối
Tế bào gốc là một trong những lĩnh vực nghiên cứu còn mới, nhất là nghiên cứu tế bào gốc trong y học tái tạo. Việc sử dụng tế bào gốc màng ối người được đánh giá là có tính sinh miễn dịch thấp, không có khả năng ung thư hóa và có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau.
Tuy nhiên, sử dụng tế bào gốc màng ối là vấn đề luôn gây tranh cãi khi sử dụng các tế bào gốc phôi nhưng nó không vi phạm về đạo đức. Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng thành công tế bào gốc màng ối trong điều trị bỏng, vết thương lâu liền, đái tháo đường týp 1. Trong khi đó, hiện nay màng ối là chất thải y tế thường bỏ đi trong quá trình sinh nở, đây có thể là một nguồn cung cấp tế bào gốc lý tưởng.
Tế bào gốc là tế bào nền móng của tất cả các tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể, đây là những tế bào chưa biệt hoá nhưng có khả năng trở thành các tế bào chuyên biệt và có chức năng mới tương ứng. Các tế bào gốc được phân chia thành 4 loại đó là: Tế bào gốc phôi (Embryonic stem cells) và tế bào mầm phôi (Embryonic germ cells), tế bào gốc thai (Foetal stem cells), tế bào gốc trưởng thành (Adult stem cells/Somatic stem cells).
Do tế bào gốc có khả năng biệt hóa thành các tế bào chức năng khác nhau nên đã mở ra triển vọng dùng tế bào gốc để tái tạo lại các mô, nghiên cứu phát triển thuốc cũng như ứng dụng vào điều trị trên lâm sàng. Tiềm năng ứng dụng quan trọng nhất của tế bào gốc là trị liệu tế bào gốc. Từ một loại tế bào gốc có thể biệt hoá thành nhiều loại tế bào chuyên biệt để điều trị cho các bệnh có thoái hoá hoặc chấn thương mất tế bào như các bệnh Alzheimer, chấn thương tuỷ sống, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường tuỵ và các tổn thương mô do bệnh tiểu đường bỏng và nhiều bệnh khác.
Liên quan vấn đề này phải nói đến công trình nghiên cứu “Hợp tác nghiên cứu quy trình sản xuất một số chế phẩm sinh học từ tế bào gốc màng ối” do TS.BS. Phạm Văn Trân - Học Viện quân y thực hiện vào năm 2012. Đây là đề tài độc lập cấp Nhà nước theo nghị định thư hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Kết quả nghiên cứu ứng dụng thành công và đánh giá hiệu quả của tấm tế bào gốc màng ối trong điều trị bỏng da do nhiệt trên động vật thực nghiệm: Tấm tế bào gốc màng ối có tác dụng che phủ vết thương bỏng tốt, có khả năng bám vết thương, hút thấm dịch làm khô sạch vết bỏng hạn chế nhiễm khuẩn, góp phần thúc đẩy quá trình liền vết thương bỏng như thu hẹp nhanh diện bỏng, giảm phù viêm, nhanh liền vết thương và lành sẹo. Kết thúc thử nghiệm sau 34 ngày che phủ tại chỗ vết thương bỏng bằng tấm tế bào gốc màng ối không thấy có tác dụng gây phản ứng đặc biệt có hại tại chỗ và toàn thân.
Đề tài đã xây dựng thành công tiêu chuẩn cơ sở để đánh giá sản phẩm sinh học là tấm tế bào gốc màng ối. Tiêu chuẩn chất lượng này áp dụng cho tấm tế bào gốc màng ối do Trung tâm Nghiên cứu Y Dược học Quân sự - Học viện Quân y nghiên cứu và sản xuất.
Vũ Tân