Sở Khoa học và Công nghệ xét chọn trường Đại học Thủ Dầu Một tham gia Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025” - Đề án 826
Sáng ngày 18/07/2024, tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức họp xét giao trực tiếp tổ chức, cá nhân tham gia Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025” đối với nhiệm vụ “Triển khai hỗ trợ khởi nghiệp sáng tại Trường Đại học Thủ Dầu Một: nâng cao năng lực và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp”.
Quang cảnh cuộc họp
Hội đồng tư vấn xét giao nhiệm vụ gồm có Ths Trần Trọng Tuyên - Phó Giám đốc Sở KH&CN; Ths. Đặng Thị Luận - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hữu Lợi - Đại diện Tỉnh đoàn; ông Đỗ Mạnh Tiến - Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư; ThS. Phan Thị Thùy Trang - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Trường Đại học Thủ Dầu Một là đơn vị đề xuất tham gia đề án với với nhiệm vụ “Triển khai hỗ trợ khởi nghiệp sáng tại Trường Đại học Thủ Dầu Một: nâng cao năng lực và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp” hướng đến mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, thu hút, gắn kết cộng đồng khởi nghiệp và các thành phần của hệ sinh thái; tạo môi trường để sinh viên phát triển ý tưởng khởi nghiệp và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao năng lực đội ngũ cố vấn; tạo sự kết nối giữa cộng đồng doanh nhân, các nhà đầu tư với các ý tưởng khỏi nghiệp và giải pháp kinh doanh; góp phần định hướng nghề nghiệp tương lại cho sinh viên.
Đại diện trường Đại học Thủ Dầu Một thuyết minh các nhiệm vụ
Với những mục tiêu trên, trường Đại học Thủ Dầu Một đề xuất triển khai với 2 nội dung như sau:
- Nội dung 1: Tổ chức cuộc thi sinh viên Đại học Thủ Dầu một với ý tưởng Khởi nghiệp (TDMU Entrepreneurship Competition năm 2024 - TEC2024). Cuộc thi được triển khai từ việc tổ chức diễn đàn, tổ chức khóa đào tạo cơ bản, tổ chức vòng đăng ký ý tưởng và chấm sơ loại, tổ chức khóa đào tạo nâng cao và kết nối mentor/ cố vấn cho các nhóm dự thi, tổ chức vòng bán kết và cuối cùng là vòng chung kết. Nhìn chung nội dung cuộc thi cũng tương tự format các cuộc thi ý tưởng mà trường đã từng tổ chức.
- Nội dung 2: Tổ chức khóa đào tạo cố vấn khởi nghiệp, ĐMST dành cho cán bộ, giảng viên. Khóa đào tạo dự kiến tổ chức trong 03 ngày với các nội dung xoay quanh về mô hình CLB Mentoring (CLB Cố vấn khởi nghiệp ĐMST) dành cho lãnh đạo và quản lý đào tạo bao gồm đào tạo nhóm điều hành CLB, đào tạo mentor (người cố vấn) và mentee (người được cố vấn), hướng dẫn triển khai hoạt động cố vấn khởi nghiệp ĐMST.
Ths. Đặng Thị Luận chia sẻ một số kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp và ĐMST tại Tp Hồ Chí Minh
Thông qua phần thuyết minh của trường đại học Thủ Dầu Một, Hội đồng tư vấn xét giao thống nhất thông qua và chấp thuận cho trường Đại học Thủ Dầu Một triển khai nhiệm vụ đã đề xuất.
Quí Dương