Sử dụng nghiên liệu sinh học: Xu thế năng lượng tất yếu
Nhu cầu năng lượng của con người ngày càng gia tăng. Năng lượng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. An ninh quốc gia, an ninh kinh tế luôn gắn liền với an ninh năng lượng của một quốc gia. Vì vậy trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội bền vững, chính sách năng lượng nên được đặt lên hàng đầu.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế năng lượng, dầu mỏ và khí đốt hiện chiếm khoảng 60-80% cán cân năng lượng thế giới. Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay và trữ lượng dầu mỏ hiện có, nguồn năng lượng này sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt trong vòng 40-50 năm nữa. Nguồn năng lượng thay thế hiện nay có thể là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân… để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và những bất ổn chính trị tại các nước sản xuất dầu mỏ.
Bên cạnh đó, nguồn năng lượng sinh học đang là xu thế phát triển tất yếu, nhất là ở các nước nông nghiệp và nhập khẩu nhiên liệu, do các lợi ích của nó như: công nghệ sản xuất không quá phức tạp, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, không cần thay đổi cấu trúc động cơ cũng như cơ sở hạ tầng hiện có và giá thành cạnh tranh so với xăng dầu.
Nhiên liệu sinh học dùng cho giao thông vận tải chủ yếu gồm: các loại cồn sản xuất bằng công nghệ sinh học để sản xuất ra Gasohol (Methanol, Ethanol, Buthanol, nhiên liệu tổng hợp Fischer Tropsch); các loại dầu sinh học để sản xuất diesel sinh học (dầu thực vật, dầu thực vật phế thải, mỡ động vật)…. Nguồn nhiên liệu này sinh ra ít hàm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính (một hiệu ứng vật lý khiến Trái Đất nóng lên) và ít gây ô nhiễm môi trường hơn các loại nhiên liệu truyền thống.
Khi nguồn nhiên liệu truyền thống cạn kiệt, nhiên liệu sinh học là nguồn thay thế tất yếu. Chính vì vậy, để đảm bảo sự phát triển bền vững, giảm thiểu tác động môi trường, Chính phủ cũng đã quyết định đưa xăng E5 vào sử dụng từ ngày 01/01/2018. Loại xăng sinh học này đã được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn độ, Brasil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là các quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 10 năm nay. Indonesia hiện bắt buộc sử dụng xăng E3, từ năm 2020 sử dụng xăng E5 và sau 2025 sẽ sử dụng xăng E25.
Đỗ Liên