Sử dụng rượu bia: Một số bệnh thường gặp
Kinh tế phát triển, điều kiện sống phát triển nhưng không thể nhanh bằng tốc độ sử dụng rượu bia. Theo điều tra mới nhất gần đây 77,3% nam giới và 11% nữ giới có sử dụng rượu bia, trong đó sử dụng tới mức nguy hại là 44,2%, đặc biệt 45% người sử dụng rượu bia có lái xe. Đây là một trong những vấn đề có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới việc tai nạn. Hiện Việt Nam đang là quốc gia lạm dụng uống rượu bia đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.
Tác hại của việc sử dụng rượu bia
Cồn là chất có tác động rất lớn đến bộ não, ngay cả khi chỉ cần uống một lượng với nồng độ khoảng 0,25%o trong máu, tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu vang. Cồn gây tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh mà đặc biệt là lên não, chúng làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Nếu uống 50g cồn hằng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn, với khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Trong một cơn say rượu, con số tế bào não chết đi có thể lên đến 10.000.000. Đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến khả năng tỉnh dục và có con. Đối với phụ nữ có thai, nếu sử dụng rượu bia nhiều trong thời gian mang thai sẽ dễ sinh ra các đứa trẻ có khuyết tật về trí tuệ.
Một số bệnh thường gặp
Viêm gan: là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài 1 đến 2 tuần. Có các triệu chứng sau: chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Bệnh có thể diễn tiến đến xơ gan do uống rượu suốt nhiều năm. Xơ gan do tế bào gan bị tổn thương thường xuyên. Gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm của bệnh gan do uống rượu, nếu bệnh nhân ngừng uống rượu ở giai đoạn này bệnh có thể tự khỏi.
Bệnh tim mạch: Khi nồng độ cồn càng cao, sự tác động lên tim càng lớn, chúng làm hẹp các mạch máu và tăng áp lực trong máu, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra, chúng còn gây ra chứng rối loạn nhịp tim. Nếu uống rượu nhiều và uống lâu dài có thể ảnh hưởng lên cơ tim, từ đó sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: rối loạn nhịp tim, rung nhĩ…
Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng: Các thức uống chứa cồn có tác động ức chế sự tạo thành chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, mặt khác rượu bia còn kích thích tiết ra nhiều axit dịch vị có thể tăng khả năng gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Hậu quả sau khi uống nhiều là bệnh nhân thấy bụng bị trướng, nóng rát trong bụng, hơi thở nóng, gấp gáp, đau thắt vùng thượng vị. Các triệu chứng ban đầu dễ bị người bệnh bỏ qua, tuy nhiên càng uống nhiều rượu bia, tổn thương tại dạ dày càng nặng và lâu dài có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng như viêm loét hay thậm chí ung thư dạ dày.
Bệnh gút: Trong bia có chứa hàm lượng Purin cao, chất được chuyển hòa thành acid uric trong máu, ngoài bia ra, các đồ ăn giàu purine bao gồm các loại nội tạng động vật, thịt béo màu đỏ và một số loại đồ biển. Bia chứa hàm lượng purine nhiều hơn hẳn các loại đồ uống có cồn khác và các nhà nghiên cứu tin rằng bia góp phần không nhỏ vào nhóm tác nhân gây bệnh Gout. Những người sử dụng rượu mạnh cũng sẽ có chung số phận tương tự, tuy mức độ không nặng nề bằng những người uống bia. Chỉ cần bạn uống một hớp rượu mạnh trong vòng 1 tháng thì bạn đã có nguy cơ mắc bệnh gút. Và nếu bạn uống từ 2 hớp rượu mạnh trở lên thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên 60% so với người bình thường không uống rượu.
Bệnh phổi: Nếu uống rượu trong một thời gian dài, chất cồn sẽ làm mất đi chất chống oxy hóa quan trọng trong phổi, từ đó phổi bị tổn thương vĩnh viễn vì thế người nghiện rượu rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm như viêm phổi cũng như các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác.
Ngoài ra, nghiện rượu bia còn gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tình hình an ninh trật tự xã hội như bạo hành gia đình và gây rối trật tự xã hội. Tai nạn giao thông tăng vọt và thương tâm có liên quan rất nhiều đến rượu bia, nên nếu tham gia giao thông cần rất hạn chế rượu bia để bảo vệ hạnh phúc gia đình và xã hội.
Thanh Thanh