Suy giãn tĩnh mạch chi dưới: Nhân viên văn phòng nên biết
Nặng chân, mỏi chân, đau nhức, chuột rút, chân sưng phù, nổi gân xanh ngoằn ngoèo… là những biểu hiện thường thấy của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Các biểu hiện trên thường rõ rệt vào buổi chiều tối hoặc sau khi bệnh nhân đứng, ngồi một chỗ quá lâu.
Bệnh giãn tĩnh mạch xảy ra khi các van trong lòng tĩnh mạch bị hỏng, làm cho máu chảy theo chiều trái ngược với thông thường. Thay vì được bơm từ bàn chân lên tim, máu “bẩn” sẽ đi theo chiều ngược lại làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch đồng thời kéo giãn thành tĩnh mạch.
Nguyên nhân: Hiện bệnh này chưa xác định rõ nguyên nhân, nhưng có một số yếu làm tổn thương chức năng của các van một chiều như: Thoái hóa do tuổi tác; tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng, làm việc trong môi trường ẩm thấp, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin...... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều
Dấu hiệu nhận biết: Giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh có biểu hiện: đau chân, nặng chân, mỏi chân.. Những triệu chứng này thường không rõ ràng nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua; giai đoạn tiến triển bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân. Trong giai đoạn nặng hơn, da ở vùng cổ chân sẽ sậm màu, dày hơn, cứng hơn, bề mặt bị sừng hoá nham nhở xen kẽ những chỗ mất sắc tố da trở nên trắng bệch. Nặng nhất là tình trạng loét chân, chủ yếu ở xung quanh cổ chân, gần mắt cá trong và ngoài.
Phương pháp điều trị: Tùy thuộc vào mức độ suy giãn tĩnh mạch và đáp ứng cơ thể của từng bệnh nhân, bệnh giãn tĩnh mạch có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp mang vớ hoặc các phương pháp can thiệp như phẫu thuật, chích xơ tạo bọt, laser nội mạch… Một phương pháp mới được Viện Tim mạch Quốc gia và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM bắt đầu ứng dụng trong năm 2012 là loại bỏ tĩnh mạch suy bằng năng lượng sóng có tần số radio. Đây là một phương pháp có nhiều ưu điểm hơn hẳn các phương pháp kinh điển, bởi phương pháp này có tỷ lệ thành công rất cao, điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn và ít tai biến.
Ngoài ra, người bị suy giãn tĩnh mạch nên thường xuyên tập thể thao như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội... Tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên đi giày cao gót. Lúc nằm nên gác chân lên gối mềm cao hơn so với mặt giường. Cần ăn nhiều chất xơ và vitamin, nhất là vitamin C…
Thanh Thanh