Tên nhiệm vụ: Nhận diện hiện trạng và nguồn lực của vùng liên kết đô thị Bình Dương - Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai
1. Cấp quản lý nhiệm vụ: cơ sở
2. Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
3. Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lê Vy Hảo và ThS. Nguyễn Văn San
4. Mục tiêu nghiên cứu:
Mục tiêu chung: Xác định hiện trạng của vùng liên kết đô thị Bình Dương - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai nhằm làm sáng tỏ sự liên kết nội vùng, những nguồn lực hiện có và tiềm năng của vùng liên kết.
Mục tiêu cụ thể:
- Mô tả hiện trạng kinh tế - xã hội ba tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai
- Vị trí địa lý và cư dân của vùng liên kết Bình Dương - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai.
- Xác định thực trạng vùng liên kết đô thị Bình Dương - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai trong các lĩnh vực hạ tầng Kinh tế - Xã hội và Văn hóa.
5. Tóm tắt:
Nhóm tác giả đã nêu lên được những hiện trạng và nguồn lực của vùng liên kết trong thực tiễn về vị trí địa lý, lịch sử cư dân, hoạt động kinh tế - xã hội và đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh của vùng liên kết đô thị đã tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mọi mặt, đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp để phát huy lợi thế của vùng và hạn chế những bất cập trong sự phát triển của vùng.
Về khía cạnh lịch sử và địa lý, TP. Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã hội tụ những yếu tố khả thi cho việc liên kết đô thị để hình thành một vùng đô thị rộng lớn tại Đông Nam Bộ. Trước tiên là sự gần gũi về địa lý và những mối quan hệ hữu cơ từ quá khứ đến hiện tại của các địa phương này. Ba tỉnh, thành Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai đều thuộc khu vực Đông Nam Bộ và với nhau nên trong quá trình phát triển đã sớm có sự giao lưu về kinh tế, xã hội và văn hóa. Các khu vực này đều sớm tiếp nhận lưu dân đi khẩn hoang và khai phá, từ đó xuất hiện những thị tứ đầu tiên của Nam Bộ như Cù Lao Phố, Bến Nghé, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một... Các đô thị trong vùng vừa giữ vai trò là trung tâm cư trú và thương mại của vùng Đông Nam Bộ, vừa giữ vai trò là những điểm trung chuyển hàng hóa khắp toàn miền Nam và cả nước.
Quá trình đô thị hóa của các đô thị trong vùng đã diễn ra nhanh chóng trong khoảng hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, đặc biệt là vùng ven TP. Hồ Chí Minh và phía Nam Bình Dương, tạo điều kiện thúc đẩy sự liên kết giữa các đô thị trong vùng. Hơn thế, quá trình phát triển đô thị tại các địa phương đã thể hiện nhiều đặc điểm khá giống nhau như sự chuyển dịch nhanh chóng của nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp trong thời kỳ Đổi mới hay hiện tượng tự động nhập cư ồ ạt,... Sau một thời gian đô thị hóa, nhiều đô thị mới hình thành cùng với xu hướng cơi nới của các đô thị cũ làm cho các đô thị có xu hướng ngày càng gần nhau hơn, mối liên hệ giữa các đô thị lân cận cũng bộc lộ rõ ràng hơn trên nhiều phương diện như kinh tế, hạ tầng giao thông, dân cư lao động, văn hóa, giáo dục,...
Tuy nhiên, các mối liên hệ hiện nay của vùng được hình thành trên cơ sở của quan hệ tương hỗ, điều tiết tự nhiên mà chưa có nhiều sự điều chỉnh của các chính sách hay ràng buộc của cơ chế quản lý đô thị chung, vì vậy mà chưa mang lại sự cân bằng và bền vững. Thêm vào đó, quan hệ giữa các đô thị khu vực Bình Dương - TP. Hồ Chí Minh Đồng Nai mới chỉ phổ biến trên phương diện hoạt động kinh tế - xã hội của người dân, trong khi đó tính liên kết giữa các cấp chính quyền đô thị còn chưa phong phú và thống nhất. Điều này cũng phần nào tạo ra sự hạn chế trong việc phát huy tiềm lực của từng địa phương để phát triển vùng đô thị Bình Dương - Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai trong tương lai. Vì vậy, các tỉnh, thành cần nhanh chóng xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch liên kết một cách hợp lý và chặt chẽ hơn để sớm thống nhất về định hướng cũng như kế hoạch hành động liên kết đô thị nhằm phát huy tối đa nội lực cũng như ưu thế của vùng để cùng phát triển và tạo dựng một vùng đại đô thị lớn phía Nam Việt Nam.
6. Lĩnh vực nghiên cứu: xã hội
7. Thời gian thực hiện: 12/2020 – 12/2022
8. Kinh phí phê duyệt: 189.472.900