Tên nhiệm vụ: Những thách thức và giải pháp thúc đẩy tính hiệu quả cho vùng liên kết đô thị Bình Dương - Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai
1. Cấp quản lý nhiệm vụ: cơ sở
2. Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
3. Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân
4. Mục tiêu nghiên cứu:
Mục tiêu tổng: Phân tích những thách thức trong quá trình phát triển của vùng liên kết đô thị và đưa ra những giải pháp, kiến nghị
Mục tiêu cụ thể:
- Phân tích những thách thức do quá trình đô thị hóa tạo nên;
- Phân tích những thách thức của vùng liên kết trong cơ chế điều hành bộ máy vùng, trong các vấn đề chung là quy hoạch, chiến lược, phân cấp, quản lý/quản trị, hình thức liên kết, những vấn đề chung khác là biến đổi khí hậu, môi trường, xã hội
- Đưa ra những giải pháp, kiến nghị
5. Tóm tắt:
Phần nội dung báo cáo đã phân tích những thách thức do quá trình đô thị hóa tạo nên và những thách thức của vùng liên kết đô thị trong cơ chế liên kết trong các vấn đề iv chung như điều hành vùng, quy hoạch, chiến lược phát triển, phân cấp, quản trị đô thị, môi trường, xã hội.
Đô thị hóa trong vùng liên kết đô thị còn diễn ra theo chiều rộng, thiếu hụt không gian xanh và công trình công cộng. Hạ tầng giao thông, đô thị của vùng còn bị quá tải, phải đối mặt với tình trạng ngập và ô nhiễm môi trường gia tăng. Chuyển dịch kinh tế và lao động cũng làm cho các ngành truyền thống của vùng dần mai một, một bộ phận người dân có nguy cơ thất nghiệp và không thể chuyển đổi việc làm. Tình trạng di cư lên vùng liên kết đô thị cũng làm gia tăng tình trạng quá tải dân số, gây nhiều thách thức về quản lý dân cư, giao thông, hạ tầng, an ninh trật tự xã hội.
Đối với vấn đề liên kết vùng, các địa phương trong vùng liên kết đô thị là những thành phố nằm sát nhau, chia sẻ cùng một không gian địa lý, nhưng giữa các thành phố còn chưa có cơ chế liên kết hiệu quả. Các thành phố chỉ có thể bị động phối hợp khi có vấn đề xảy ra hoặc nghe theo sự chỉ đạo của chính quyền cấp trên. Điều này làm cho việc hợp tác trong các lĩnh vực như điều hành đô thị, quy hoạch, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự tại vùng liên kết đô thị còn cục bộ, chưa toàn diện.
Trên cơ sở những thách thức trên, nhóm tác giả đã phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với việc liên kết vùng trong vùng liên kết đô thị bằng khung phân tích SWOT. Vùng có nhiều điểm mạnh như là nơi thu hút dân cư, nguồn nhân lực, đô thị, hệ thống giao thông phát triển nhanh chóng; vùng cũng được ưu ái chọn làm điểm đến của các doanh nghiệp quốc tế và cũng được Trung ương quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng, xem xét bổ sung thêm cơ chế đặc thù. Nhưng, vùng cũng có các hạn chế liên quan đến đô thị hóa và liên kết vùng, cũng như gặp phải thách thức từ bối cảnh thế giới bất ổn, sự cạnh tranh của các vùng khác trong nước và quốc tế. Tiếp sau khung phân tích SWOT, nhóm tác giả đã đưa ra những dự báo liên quan đến việc liên kết vùng, điều hành vùng và các khía cạnh như tăng trưởng kinh tế, dân số, lao động, văn hóa, xã hội, môi trường. Các dự báo này căn cứ vào tình trạng hợp tác giữa các địa phương trong tương lai. Nếu như các địa phương trong vùng tăng cường hợp tác trong tương lai thì nhiều vấn đề có thể được khắc phục hoặc giảm bớt, góp phần thúc đẩy vùng phát triển. Nhưng trong trường hợp việc hợp tác không được cải thiện thì các vấn đề của vùng có thể vẫn tiếp diễn và trở nên trầm trọng hơn so với hiện nay. Cuối cùng, nhóm tác giả trình bày một số trường hợp liên kết vùng đô thị trên thế giới để làm bài học kinh nghiệm và đưa ra một số giải pháp để cải thiện tình trạng liên kết vùng của vùng liên kết đô thị nói riêng và các loại vùng ở Việt Nam nói chung. Theo v đó, đối với vấn đề liên kết vùng, nhóm tác giả đề xuất mô hình hội đồng vùng hoặc tổ chức liên kết vùng với sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, không chỉ chính quyền các cấp mà còn có sự tham gia của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh giải pháp liên quan đến liên kết vùng, nhóm tác giả cũng đề xuất một số giải pháp, kiến nghị về phát triển đô thị, quy hoạch và các vấn đề kinh tế - xã hội - môi trường của vùng.
6. Lĩnh vực nghiên cứu: xã hội
7. Thời gian thực hiện: 12/2020 – 12/2022
8. Kinh phí phê duyệt: 190.365.400