Thành phố Thủ Dầu Một: Xây dựng và phát triển theo hướng đô thị thông minh, giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo
Nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, giải pháp được xác định trong Chương trình số 04-CTr/TU ngày 12/08/2020 của BCH Đảng bộ Thành phố Thủ Dầu Một lần thứ XII về xây dựng và phát triển thành phố Thủ Dầu Một theo hướng đô thị thông minh, giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo (Chương trình số 04); tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã đề ra, ngày 20/5/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Dầu Một đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND thực hiện Chương trình số 04 với 08 nội dung trọng tâm:
(1) Tuyên truyền về xây dựng thành phố thông minh: Tiếp tục thông tin việc triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh gắn với việc tuyên truyền phổ biến “Đề án Thành phố thông minh - Bình Dương”; những thành công bước đầu của đề án, định hướng chung của tỉnh, lộ trình tiếp bước về vùng đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương; tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội về sự cần thiết và lợi ích của việc xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn hiện nay…
(2) Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hành chính công: Tăng cường công tác tuyên truyền, công bố công khai danh mục thủ tục hành chính đang thực hiện trên cổng thông tin điện tử của thành phố. Nâng tính tương tác với công dân thông qua cổng thông tin điện tử, nền tảng di động ở một số lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh…; tiếp tục duy trì kết nối liên thông thủ tục hành chính công; Thực hiện số hóa tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; Các văn bản hành chính thông thường đều được ban hành dưới dạng điện tử…
(3) Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý đô thị: Triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh trên các tuyến đường trục chính đô thị, đường khu vực, phấn đấu đạt 100% vào năm 2025; xây dựng hệ thống giao thông thông minh; triển khai hệ thống giám sát giao thông, an ninh trật tự thông minh; ứng dụng hệ thống GIS để cấp giấy chứng nhận số nhà và cấp giấp phép xây dựng; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở, các dự án nhà ở…
(4) Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài nguyên môi trường: Sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin dữ liệu địa chính phục vụ kết nối và chia sẻ với cơ sở dữ liệu địa chính các cấp, tạo tiền đề cho việc khai thác, chia sẻ dữ liệu trực tuyến; mở rộng hệ thống quan trắc, chia sẻ cơ sở dữ liệu về quản lý tài nguyên và môi trường…
(5) Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực an ninh trật tự: Xây dựng kế hoạch ứng dụng khoa học công nghệ trong phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông; lắp đặt hệ thống giám sát an ninh trật tự đạt 100% ở các khu vực trọng yếu.
(6) Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục - y tế: Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành GDĐT thành phố; 100% cơ sở giáo dục phổ thông ứng dụng CNTT trong quản lý nhà trường, quản lý học sinh; tỷ lệ dân cư có bệnh án điện tử đạt trên 50%, phấn đấu 100% các cơ sở y tế cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng ICT.
(7) Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thuế - tài chính: Tích hợp 70% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên cổng thông tin quốc gia. Trên 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; triển khai ứng dụng liên thông khi xử lý hồ sơ tính lệ phí trước bạ phương tiện; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh.
(8) Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý chính sách người có công và giải quyết việc làm: Tra cứu các thông tin về các chế độ chính sách dành cho các lãnh đạo, đạt tỷ lệ 100% được tra cứu các thông tin; cập nhật ứng dụng để doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp chủ động báo cáo tình hình sử dụng lao động định kỳ.
Ánh Nguyệt