Thông tư số 25/2023/TT-BKHCN về việc Quy định quản lý chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030
Ngày 29 tháng 12 năm 2023 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 25/2023/TT-BKHCN về việc Quy định quản lý chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.
Theo đó, Thông tư này quy định việc quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Chương trình công nghệ cao) và được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia triển khai, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình công nghệ cao.
Thông tư gồm 05 Chương 23 Điều với những nội dung: Quy định chung; Tiêu chí lựa chọn nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình công nghệ cao; Quản lý nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình công nghệ cao; Tổ chức thực hiện; Điều khoản thi hành.
Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra 8 tiêu chí dự án khoa học và công nghệ thuộc Chương trình công nghệ cao gồm:
Một là, công nghệ được nghiên cứu phát triển trong dự án khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là dự án KH&CN) phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải thuộc một trong những trường hợp sau: là công nghệ được nghiên cứu phát triển, ứng dụng để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu; được nghiên cứu để thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.
Hai là, mục tiêu, nội dung của dự án KH&CN phải gắn kết hữu cơ, đồng bộ, được tiến hành trong một thời gian nhất định và được triển khai dưới hình thức đề tài KH&CN, dự án sản xuất thử nghiệm (sau đây viết tắt là nhiệm vụ thuộc dự án KH&CN).
Ba là, kết quả của dự án KH&CN phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: bảo đảm cho việc phát triển công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trong từng giai đoạn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; tạo ra dịch vụ công nghệ cao công ích, hình thành doanh nghiệp công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học.
Bốn là, tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm dự án KH&CN phải đáp ứng yêu cầu sau:
- Tổ chức chủ trì có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực về cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, khả năng triển khai, phối hợp nghiên cứu và ứng dụng kết quả dự án KH&CN vào sản xuất.
Ưu tiên tổ chức chủ trì đang triển khai dự án đầu tư thuộc lĩnh vực có liên quan đến dự án khoa học và công nghệ đề xuất đã được cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc đã được triển khai trong khu công nghệ cao (đối với dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao), khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (đối với dự án đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, cung ứng dịch vụ công nghệ cao);
- Chủ nhiệm dự án KH&CN là lãnh đạo của Tổ chức chủ trì dự án KH&CN, có đủ thời gian và khả năng tổ chức thực hiện dự án KH&CN. Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.
Năm là, tính đến thời điểm đăng ký tham gia thực hiện dự án KH&CN, tổ chức chủ trì dự án KH&CN phải có ít nhất 01 bài báo khoa học hoặc 01 đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực của dự án phù hợp với thực tiễn, có khả năng ứng dụng trực tiếp vào sản xuất hoặc 01 đề tài, dự án trong lĩnh vực liên quan từ cấp Bộ (hoặc tương đương) trở lên đã được nghiệm thu hoặc chuyển giao công nghệ.
Sáu là, hệ thống quản lý chất lượng của dự án KH&CN phải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định về quản lý chất lượng sản phẩm.
Bảy là, tuân thủ và áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Tám là, khuyến khích, ưu tiên dự án KH&CN có sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục cải tiến cơ chế quản lý và phương thức quản lý tài chính cho các chương trình và nhiệm vụ về khoa học và công nghệ các cấp. Với mục tiêu giảm bớt thủ tục hành chính, chấp nhận một mức độ rủi ro hợp lý trong nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn và quy mô quốc tế sẽ giúp các đối tượng thuộc Chương trình công nghệ cao phần nào tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc liên quan đến việc chuyển giao và xử lý tài sản phát sinh từ các dự án và nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tài trợ bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Bộ cũng đang khuyến khích doanh nghiệp thành lập và mở rộng quy mô các quỹ phát triển trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhằm sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ. Đặc biệt, việc hợp tác với các viện nghiên cứu và trường đại học được khuyến khích thông qua việc đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm chung, các dự án ươm tạo công nghệ và dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, khuyến khích hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2024./