Thuận An tổ chức Hội thảo và lễ trao giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) sản phẩm măng cụt
Ngày 18/9/2018, Phòng Kinh tế, thị xã Thuận An đã tổ chức Hội thảo và lễ trao giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) sản phẩm măng cụt cho hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Sơn.
Măng cụt Lái thiêu là trái cây đặc sản của Lái Thiêu, đã có tiếng từ trăm năm nay, măng cụt Lái Thiêu có hương vị đặc biệt thơm ngon, có vị ngọt pha lẫn chút vị chua dịu, thịt trái mềm, mịn, mùi vị ít nơi nào bằng.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND thị xã Thuận An, năm 2013 măng cụt Lái Thiêu được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Để duy trì, nâng cao được chất lượng và tiếp tục giữ vững nhãn hiệu tập thể “măng cụt Lái Thiêu”, năm 2017 phòng Kinh tế thị xã Thuận An phối hợp với trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp bền vững triển khai mô hình sản xuất măng cụt đạt đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã An Sơn, thị xã Thuận An.
Mục tiêu mô hình:
- Quảng bá thương hiệu và nâng cao thu nhập cho nhà vườn sử dụng nhãn hiệu “măng cụt Lái Thiêu” trên địa bàn thị xã Thuận An.
- Nâng cao chất lượng trái măng cụt;
- Đảm bảo sức khỏe người sản xuất, ngườu tiêu dùng;
- Góp phần bảo vệ môi trường;
- Truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Nội dung thực hiện
- Điều tra khảo sát hiện trạng sản xuất và chọn hộ tham gia mô hình;
- Thành lập hợp tác xã;
- Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật;
- Xây dựng hệ thống quản lý VietGAP;
- Xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu của VietGAP;
- Hướng dẫn nhà vườn thực hiện đúng quy trình canh tác và ghi chép nhật ký sản xuất;
- Kiểm tra và đánh giá nội bộ;
- Tổ chức chứng nhận.
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình sản xuất măng cụt đạt tiêu chuẩn VietGAP, đến nay, mô hình đã nhận được giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP của 06 hộ tham gia mô hình (77.500 m2) ở xã An Sơn.
Sản xuất nông nghiệp theo GAP là xu hướng tất yếu, điều kiện cần thiết để xuất khẩu, để nâng cao giá trị, sản lượng xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Trong thời gian tới hợp tác xã phối hợp với trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp bền vững tiếp tục duy trì mô hình sản xuất măng cụt đạt chuẩn VietGAP, tăng cường tập huấn, tuyên truyền vận động sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn, chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các hộ nông dân, làm cầu nối cơ sở thu mua măng cụt theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia các hội thi trái cây ngon, giới thiệu, quảng bá sản phẩm Măng cụt Lái Thiêu.
Ông Nguyễn Thành Úy (thứ tư, từ trái sang), trưởng phòng Kinh tế thị xã Thuận An trao giấy chứng nhận VietGAP cho hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Sơn thị xã Thuận An.
Thanh Tùng - KHCNCS