Thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua kênh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Nguyễn Thị Thu Hà
Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ
Ngày nay, công nghệ đã trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế. Thực thế cho thấy kết quả tăng trưởng kinh tế đến từ việc tăng cường các yếu tố sản xuất hoặc cải tiến công nghệ hoặc sự kết hợp của cả hai. Các nước phát triển tiến hành phần lớn các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R & D) để tạo ra những công nghệ và cải tiến mới. Những công nghệ này sau đó lan rộng khắp thế giới thông qua nhiều kênh như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI), cấp phép, nhượng quyền, mua bán, chuyển giao hoặc thông qua sự chuyển động của lực lượng lao động - những người được tiếp cận với công nghệ mới sau đó nhân rộng chúng đến những nơi khác... Chuyển giao công nghệ thông qua FDI đã trở thành kênh chiếm ưu thế. Chuyển giao công nghệ là một chủ đề rất được quan tâm bởi các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài trợ quốc tế và các doanh nghiệp bởi mối quan hệ chặt chẽ giữa chuyển giao công nghệ và tăng trưởng kinh tế. Chuyển giao công nghệ không đơn thuần là chuyển giao phần cứng (máy móc, thiết bị,..) mà còn bao gồm cả cách thức sử dụng, bí quyết kỹ thuật. Có rất nhiều vấn đề với chuyển giao công nghệ ở các nước đang phát triển như: thiếu nhà khoa học và nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực cụ thể; tình trạng chảy máu chất xám dẫn đến thiếu nguồn nhân lực chất lượng; quy mô thị trường nhỏ; đầu tư công cho nghiên cứu và cơ sở hạ tầng chưa phù hợp,…
FDI được công nhận rộng rãi như một động lực của toàn cầu hoá, một chất xúc tác chính cho sự phát triển và hội nhập toàn cầu. FDI đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành vốn và GDP ở nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. FDI có thể tạo ra những tác động lan tỏa và mức độ lan tỏa phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của các doanh nghiệp trong nước liên quan đến yếu tố công nghệ và nguồn nhân lực hiện có của các doanh nghiệp này. Các công ty nước ngoài thường đầu tư vào hệ thống sản xuất công nghệ thấp, thâm dụng lao động và đồng thời sự hợp tác của các công ty nước ngoài và địa phương trong việc chuyển giao công nghệ cũng chưa tốt. Khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động R & D. Tuy nhiên hoạt động R & D chưa được chú trọng và mức chi tiêu của các doanh nghiệp trong nước cho R & D còn thấp dẫn đến các doanh nghiệp địa phương không đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Do vậy, việc “tiêu hóa và hấp thụ” công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước cần được chú trọng. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia thời gian qua cho thấy sao chép/ giải mã công nghệ chính là một công cụ quan trọng để xây dựng năng lực công nghệ.
Một số phương thức thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước:
- Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước. Cần phải thiết lập và thực hiện các chính sách nhằm nâng cao khả năng hấp thụ và thích ứng của các doanh nghiệp trong nước. Điều này liên quan đến việc đào tạo lực lượng lao động có tay nghề và sự tương tác của các doanh nghiệp với các tổ chức giáo dục, các đơn vị đào tạo.
- Yêu cầu về sở hữu cổ phần và liên doanh. Yêu cầu về vốn cổ phần được sử dụng tăng cường cơ hội tiếp cận công nghệ và kiến thức do các công ty nước ngoài kiểm soát.
- Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực cụ thể. Thu hút các công ty công nghệ cao hoặc việc nhắm mục tiêu đến các công ty nước ngoài đã có mặt ở trong nước, ví dụ bằng cách khuyến khích chuyển sang các công nghệ phức tạp hơn và tăng cường hoạt động R & D về công nghệ ở địa phương.
- Thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ thông qua các mối liên kết. Mối liên kết giữa các công ty trong nước và nước ngoài là một trong những phương thức chủ chốt của truyền tải bí quyết và công nghệ. Các chương trình liên kết giữa các công ty nước ngoài và các nhà cung ứng trong nước bao gồm tư vấn chuyên sâu, đào tạo và chuyển giao công nghệ sẽ thúc đẩy cải tiến quy trình và chuyên môn hóa cao.
- Nâng cao năng lực nhà cung cấp địa phương. Các nỗ lực liên kết các nhà cung cấp với các công ty đa quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài là một cách hiệu quả để nâng cao trình độ công nghệ, đặc biệt là ở các doanh nghiệp trong nước. Chính quyền nên tạo điều kiện để triển khai Chương trình nâng cao năng lực nhà cung ứng địa phương và ký kết các hợp đồng với các công ty nước ngoài để chuyển các nhân viên quản lý và kỹ thuật giàu kinh nghiệm sang các doanh nghiệp trong nước. Như vậy, các nhà cung cấp địa phương có thể chuyển đổi từ doanh nghiệp có thu nhập thấp, thâm dụng lao động thành các doanh nghiệp tri thức hơn.
- Đưa ra các ưu đãi về mặt kỹ thuật và kinh tế. Chính quyền địa phương nên đưa ra các ưu đãi về kỹ thuật và kinh tế, đặc biệt cho các ngành công nghiệp có tiềm năng đóng góp quan trọng cho việc chuyển giao công nghệ. Một số công ty kỹ thuật địa phương cố gắng thực hiện cải tiến quá trình sản xuất bằng cách cải tiến thiết bị và máy móc do đó cần phải có chính sách khuyến khích cho loại hình doanh nghiệp này.
- Thu hút các kỹ sư trong nước tham gia vào các dự án công nghệ chuyên sâu. Sự tham gia các kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật vào các dự án công nghệ cao là rất quan trọng để học hỏi và tiếp thu các công nghệ và bí quyết mới. Mục tiêu lâu dài của đầu tư trực tiếp nước ngoài chính là sự lan truyền và thẩm thấu công nghệ. Các khảo sát cho thấy nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc sử dụng nguồn nhân lực giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên của địa phương. Cụ thể, da giày, dệt may và nông nghiệp là những ngành thu hút đầu tư nước ngoài nhiều. Do đó, số lượng đầu tư vào các ngành công nghệ cao là rất hạn chế và lợi ích từ sự lan truyền công nghệ vẫn còn mờ nhạt. Để thay đổi tình hình, địa phương phải tập trung vào các chính sách sau:
+ Ưu tiên cho các FDI về công nghệ. FDI có thể đóng vai trò như một kênh chuyển giao công nghệ vì họ thường mang đến công nghệ cao hơn so với các loại đầu tư tại thị trường địa phương. Chính quyền nên tập trung vào các ngành cơ khí và kỹ thuật cơ bản so với những ngành ít sử dụng công nghệ hơn.
+ Yêu cầu về yếu tố địa phương. Chính quyền nên đặt ra khung thời gian cho các công ty nước ngoài về việc xây dựng các hợp đồng/ thỏa thuận phụ đối với phát triển nhà cung cấp địa phương nhằm mục đích truyền bá bí quyết công nghệ cho người dân. Từ kinh nghiệm của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cho thấy các thỏa thuận như vậy sẽ cho phép FDI sản xuất một số thành phần nội địa nếu không sẽ bị thu thuế nặng.
+ Sự tham gia của lao động địa phương. Bên cạnh việc có yêu cầu về yếu tố địa phương đối với các công ty nước ngoài, cần có một thoả thuận nhằm đảm bảo sự hiện diện và sự tham gia của lao động địa phương tại các vị trí quan trọng của công ty nước ngoài. Điều này giúp đẩy nhanh sự lan tỏa kiến thức kỹ thuật từ công ty nước ngoài sang các doanh nghiệp trong nước.
Không thể phủ nhận FDI đóng vai trò tích cực và có những tác động đáng kể. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý vì hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua FDI sẽ mang đến những tác động không mong muốn, đặc biệt là với môi trường. Khi các quy định về môi trường chưa hiệu quả và quản lý công khai minh bạch chưa có, các dự án FDI sẽ có nguy cơ gây thiệt hại về môi trường và xã hội nghiêm trọng.
Tài liệu tham khảo
Bernadette A.et al., Technology transfer to china: A theoretical approach,China, University of Limerick, Vol.3, pp. 277-308, 1998.
MarcusG., et al.,History of Ethiopia, Los Angeles, University of California, 1994.
Park Donghyun, Foreign Direct Investment and Corporate Taxation: Overview of Singaporean Experience,Singapore, Nanyang Technological University, 2004.
Mohammad S., et al., FDI and Economic Growth in Malaysia, Malaysia, University of putra, 2009.