Thực hiện, chấp hành các quy định pháp luật có liên quan đến vận chuyển hàng nguy hiểm
Ngày 9/6/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BKHCN quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ô xy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ (thuộc loại 5) và các chất ăn mòn (thuộc loại 8) bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 09/2016/TT-BKHCN được sửa đổi, bổ sung một số điều được quy định tại Thông tư số 09/2018/TT-BKHCN ngày 01/7/2018.
Theo đó, Thông tư quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến vận chuyển hàng nguy hiểm gồm: Chủ hàng nguy hiểm chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm; Người Điều khiển phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm; Người áp tải hàng nguy hiểm và Người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm.
Để chấp hành đúng các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm và đảm bảo an toàn cho người, môi trường và phương tiện vận chuyển các doanh nghiệp, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và người áp tải chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định khi vận chuyển hàng nguy hiểm như sau:
1. Phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và các giấy tờ liên quan (Giấy phép kinh doanh hàng hóa; giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa; danh mục hàng nguy hiểm; những yêu cầu phải thực hiện trong quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm; phiếu an toàn hóa chất của hàng nguy hiểm cần vận chuyển bằng tiếng Việt, kèm theo bản sao chứng thực bằng ngôn ngữ nguyên gốc của doanh nghiệp sản xuất hàng nguy hiểm (nếu có); phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định ...;
2. Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông, phải được các Bộ quản lý ngành, cơ quan kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ thực hiện kiểm định và chứng nhận phương tiện cơ giới đường bộ đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm.
3. Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân phù hợp với loại hàng nguy hiểm cần vận chuyển cho người điều khiển phương tiện vận chuyển, người áp tải hàng nguy hiểm và người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm;
4. Chỉ thực hiện vận chuyển hàng nguy hiểm khi có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và chỉ vận chuyển hàng nguy hiểm trong danh mục hàng nguy hiểm ghi tại Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được cấp (Trong quá trình vận chuyển không được phép tùy tiện chuyển hàng nguy hiểm sang phương tiện vận chuyển khác, trừ trường hợp khẩn cấp do thiên tai, sự cố bất khả kháng nhưng phải thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý có thẩm quyền ở địa phương để phối hợp xử lý);
5. Phương tiện vận chuyển phải dán biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm hàng vận chuyển. Nếu cùng một phương tiện vận chuyển nhiều loại hàng nguy hiểm khác nhau tại một thời điểm thì trên phương tiện phải dán đủ các biểu trưng nguy hiểm của các loại hàng đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên thành và phía sau phương tiện, có độ bền đủ chịu được tác động của thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp, vận chuyển. Không được có biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển nếu không vận chuyển hàng nguy hiểm.
6. Thông báo cho các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường ở địa phương để phối hợp xử lý, hạn chế và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố hóa chất trong quá trình vận chuyển./.
Minh Đức