Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 22/8/2019 ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu các sở, ban ngành, các Bộ ngành nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ; đề xuất danh mục các chương trình/nhiệm vụ cần triển khai để cơ bản hoàn thành hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương.
Theo đó, mục tiêu xây dựng nền tảng chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2019 - 2020 hướng đến mục tiêu: Củng cố, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý, sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; nâng cấp triển khai rộng Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử của tỉnh; đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tích hợp, liên thông giữa các hệ thống, hướng đến hình thành kênh giao tiếp hành chính duy nhất của Chính quyền với người dân và doanh nghiệp; nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành đảm bảo liên thông với Hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến qua nền tảng tích hợp địa phương (LGSP); xây dựng, triển khai các hệ thống quản lý quy trình nghiệp vụ, hệ thống giám sát các luồng nghiệp vụ của các ứng dụng tích hợp ISO điện tử;…
Đến giai đoạn 2021 - 2025, nâng lên 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã; 60% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và được lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại;…
Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nội dung, nhiệm vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, định kỳ tháng 12 hàng năm (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) báo cáo tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan, đơn vị về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương.