Thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Năng lượng bao gồm nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng thu được trực tiếp hoặc thông qua chế biến từ các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo. Năng lượng là yếu tố có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt dần và việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với con người và môi trường sống như biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu. Các hiện tượng thiên tai như bão lũ, hạn hán, xói lở bờ biển đã và đang xảy ra thường xuyên hơn gây thiệt hại rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sống.
Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng trong các năm qua tăng rất nhanh, khoảng 11,5% trong giai đoạn 2001-2010 trước khi có sự giảm nhẹ từ năm 2011 đến 2015. Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng đã tăng trung bình 11,07%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2015.
Với nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể về năng lượng, chính sách an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường; được thực hiện thường xuyên, thống nhất từ quản lý, khai thác tài nguyên năng lượng đến khâu sử dụng cuối cùng; là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và toàn xã hội. Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và doanh nghiệp đã nỗ lực hiện hiện nghiêm Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số: 50/2010/QH12) trong mọi mặt của đời sống xã hội; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật đã được ban hành đồng bộ, đúng thời điểm; nâng cao nhận thức và thực thi các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong các tầng lớp nhân dân; tạo hành lang thông thoáng cho các kế hoạch hợp tác của các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước; đạt được mục tiêu về tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn 2011 - 2015…
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, trong quá trình thực thi Luật cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: việc tuân thủ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa nghiêm, các đối tượng điều chính của Luật chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn đã ban hành; nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng; việc thực hiện Lộ trình dán nhãn năng lượng gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng thử nghiệm, thiếu hụt thiết bị thử nghiệm hiệu suất năng lượng.
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả diễn ra ngày 16/12/2016 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững. Và đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản Luật và các văn bản dưới Luật sau 5 năm thực hiện để phát hiện những bất cập, kịp thời thay đổi theo hướng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức biện pháp thực hiện, chế độ giám sát, báo cáo, đánh giá việc thực thi Luật trong lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một cao hơn của nền kinh tế quốc dân, đồng thời bảo vệ được môi trường, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng giúp tiết kiệm ngoại tệ, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Mai Thy (Internet)