Thực trạng Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Nguồn tin khoa học và công nghệ (KH&CN) là nguồn lực đầu vào quan trọng phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời đại công nghệ số, việc phát triển nguồn tin KH&CN tại các đơn vị đầu mối thông tin cấp tỉnh sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Hiện nay, Bình Dương có 9 trường đại học và Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (Đại học Bình Dương, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Việt Đức, Đại học Mở Tp.HCM - cơ sở Bình Dương, Đại học Thủy Lợi - cơ sở Bình Dương, Đại học Ngô Quyền (trường Sĩ quan công binh). Ngoài ra, còn có 7 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp và hơn 30 cơ sở dạy nghề. Đây là những nơi đào tạo nguồn nhân lực dồi dào về trình độ tri thức và đã từng bước đáp ứng nhu cầu cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đóng khá nhiều trên địa bàn và việc phát triển doanh nghiệp cũng không thể tách khỏi vấn đề KH&CN nói chung cũng như thông tin KH&CN nói riêng.
Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời và bảo đảm ngưỡng an toàn thông tin tri thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước phù hợp với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà.
Thực trạng tạo lập nguồn tin
Theo Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/2/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin KH&CN, Nguồn tin KH&CN là “các thông tin KHCN được thể hiện dưới dạng sách, báo, tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học, thuyết minh nhiệm vụ, báo cáo kết quả thực hiện, ứng dụng kết quả nhiệm vụ KHCN, luận án khoa học, tài liệu thiết kế, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu (CSDL), trang thông tin điện tử, tài liệu thống kê KHCN, tài liệu đa phương tiện và tài liệu trên các vật mang tin khác”.
Hiện tại, nguồn tin khoa học nội sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương có: tư liệu của địa phương, kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kết quả thực hiện dự án, đề án chuyên ngành, sản phẩm khoa học trung gian, tư liệu khoa học do nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu tạo ra, kết quả thực hiện luận văn luận án sau đại học, các ấn phẩm, tạp chí, kỷ yếu, tài liệu hội thảo khoa học, tư liệu điều tra khảo sát, các cơ sở dữ liệu, hình ảnh, phim tư liệu…
Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN quy định về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN, để thuận lợi hơn trong công tác thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN tại địa phương, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Khoa học và Công nghệ trình Ủy ban nhân dân tỉnh ký Quyết định về thu thập đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đến ngày 21/12/2015, quy định về thu thập đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ký ban hành tại Quyết định số 54/2015/QĐ-UBND (Quyết định số 54). Như vậy, Quyết định số 54 được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào đầu năm 2016, nguồn tin khoa học và công nghệ về nhiệm vụ khoa học và công nghệ, luận văn luận án sau đại học tăng lên rõ rệt.
Đến ngày 01/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1285/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong thời gian qua Sở KH&CN tỉnh Bình Dương xây dựng Dự thảo Kế hoạch phát triển nguồn tin KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trong năm 2019 và 2020, bố trí kinh phí phát triển thông tin khoa học và công nghệ đặc thù của địa phương; phát triển thông tin toàn văn các hội thảo khoa học, kỷ yếu khoa học; số hóa những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trước đây và tài liệu khoa học và công nghệ đặc thù; mua quyền truy cập CSDL PROQUEST CENTRAL; mua danh mục chuyên đề “Xu hướng nghiên cứu mới trên thế giới" về một số lĩnh vực mũi nhọn và theo xu hướng hiện nay; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu liên quan đến công tác thông tin; kỹ năng thu thập, biên tập, biên mục, hiệu đính, khai thác… thông tin cho đội ngũ làm công tác thông tin tại Trung tâm Thông tin; tổ chức Hội nghị tập huấn về xây dựng, phát triển, thu thập và khai thác nguồn tin khoa học và công nghệ.
Thu thập thông tin kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kết quả thực hiện luận văn luận án sau đại học trên địa bàn tỉnh đăng tải trên cổng thông tin khoa học và công nghệ tại tên miền http://ttkhcn.khcnbinhduong.gov.vn và website Sở Khoa học và Công nghệ tại tên miền http://khcnbinhduong.gov.vn và đưa vào cơ sở dữ liệu… từng bước chuyển từ tư liệu, tài liệu giấy sang tài liệu điện tử.
Bên cạnh đó, hàng năm Sở KH&CN xuất bản định kỳ 04 số bản tin KH&CN tỉnh Bình Dương với số lượng 2.800 cuốn; 08 bản tin điện tử khoa học và công nghệ; xuất bản không định kỳ: kỷ yếu các đề tài, dự án KH&CN giai đoạn 5 năm, kỷ yếu luận văn luận án sau đại học giai đoạn 5 năm, kỷ yếu Hội thảo KH&CN; đăng tải hàng trăm tin, bài viết, kết quả điều tra và thống kê KH&CN, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực KH&CN lên website Sở Khoa học và Công nghệ tại tên miền http://khcnbinhduong.gov.vn.
Các thông tin KH&CN được cập nhật thường xuyên, liên tục đảm bảo tính thời sự, chính xác, bám sát theo các chương trình trọng điểm của tỉnh, những hoạt động KH&CN tiêu biểu nổi bật, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Do đó đã thu hút được sự quan tâm tìm hiểu, theo dõi và khai thác thông tin của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, Sở KH&CN tỉnh Bình Dương cũng đã tham gia kết nối Mạng VinaREN với Cục Thông tin KH&CN Quốc gia để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn tin KH&CN.
Nhiều khó khăn trong phát triển nguồn tin nội sinh
Bên cạnh những kết quả đạt được từ việc tạo lập nguồn tin, thu thập thông tin nội sinh trên địa bàn tỉnh, còn có một lượng nguồn tin nội sinh đáng kể vẫn chưa được kết nối, khai thác triệt để, đó là nguồn tin khoa học và công nghệ nội sinh ở các sở, ngành, viện trường trên địa bàn tỉnh, đây nguồn chất xám quan trọng trong việc phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, trong những năm qua hoạt động bổ sung, phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn rời rạc, chưa có sự phối hợp giữa các sở, ngành, viện trường trên địa bàn tỉnh. Chưa được tập trung vào một đầu mối thống nhất.
Nguồn kinh phí bố trí cho phát triển nguồn tin còn hạn chế. Chưa thu hút được các nguồn tin xám từ các sở, ban, ngành, viện trường trong tỉnh.
Nhân sự triển khai công tác phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ còn mỏng và chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác thu thập, chọn lọc nguồn tin khoa học và công nghệ trọng yếu.
Chưa tập hợp được nguồn nhân lực có chuyên môn trong phân tích, dự báo nguồn tin khoa học và công nghệ cho các ngành chủ lực.
Một số kiến nghị
Xây dựng văn bản, chính sách trong công tác phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các cá nhân, đơn vị cung cấp thông tin, tạo lập nguồn tin khoa học và công nghệ; sớm ban hành Đề án phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối kết nối các sở, ngành, viện trường thu thập các tài liệu xám nhằm tạo lập nguồn tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh thông qua chương trình ký kết phối hợp phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ.
Xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn trong việc phân tích, dự báo nguồn tin khoa học và công nghệ để có cơ sở thu thập, cung cấp thông tin khoa học và công nghệ đúng đối tượng và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
[1] Thủ tướng Chính phủ, “Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/2/2014 về hoạt động khoa học và công nghệ,” 2012.
[2] Bộ Khoa học và Công nghệ, “Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014 Quy định về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ,” 2014.
[3] Thủ tướng Chính phủ, “Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 Phê duyệt Đề án ‘Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,’” 2018.
[4] Ủy ban nhân dân Tỉnh Bình Dương, “Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 21/12/2015 quy định về thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương,” 2015.