Tiêu chuẩn tốt trao quyền lực cho người tiêu dùng
Kể chuyện một hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch biến mất sau sự cố gian dối về nguồn gốc, đại diện hệ thống chứng nhận thực phẩm hữu cơ PGS cho hay, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn khắt khe, hệ thống giám sát mạnh sẽ giúp người tiêu dùng có cơ hội thể hiện quyền lực của mình.
Gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm sạch tăng cao, việc đảm bảo tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng lại trở thành vấn đề nóng với cả người tiêu dùng và nhà sản xuất, phân phối.
Trồng, bán rau kiểu mới
Tình trạng cầu vượt quá xa cung đối với mặt hàng thực phẩm sạch thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Đặc biệt, việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, đưa giải pháp công nghệ vào quy trình sản xuất, phân phối đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ. Mô hình chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - trang trại, hộ nông dân với sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức chứng nhận đang từng bước tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Chuỗi cửa hàng Bác Tôm (Hà Nội) là một ví dụ.
Bà Trần Thị Liên - Giám đốc điều hành Bác Tôm - cho biết, ngoài việc áp dụng truy xuất nguồn gốc, công ty còn có hệ thống kiểm soát chặt chẽ sản phẩm nhập và xuất theo mã hàng để ngăn sự trà trộn. Đội “thanh tra” định kỳ và đột xuất kiểm tra tại các cửa hàng, khi phát hiện vi phạm sẽ phạt rất nặng, thậm chí ngừng hợp tác. Ở khâu sản xuất, 80 cán bộ “nằm vùng” của Bác Tôm vừa hướng dẫn vừa giám sát canh tác.
Ông Thái Anh Tuấn - Giám đốc kinh doanh Công ty Tâm Đạt (Hà Nội) - cho biết công ty áp dụng tiêu chuẩn PGS của Liên đoàn quốc tế các Phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ, thực phẩm hữu cơ - IFOAM. Mô hình sản xuất khép kín từ khâu chọn giống, gieo giống, chăm sóc đến sơ chế, đóng gói, giúp kiểm soát tối ưu về chất lượng.
Khách hàng mua thực phẩm tại cửa hàng rau hữu cơ Tâm Đạt. Ảnh Lê Phượng
Còn Sunshine Holding - công ty nông sản và dược phẩm áp dụng tiêu chuẩn Fairtrade của Tổ chức Nhãn hiệu thương mại công bằng quốc tế - áp dụng giao hàng theo kiểu thuê bao cho chuỗi cửa hàng Fairtrade Garden của mình. Khách hàng có thể đăng ký các gói sản phẩm, nêu rõ số lượng, loại rau, công ty sẽ tự động chuyển hàng theo định kỳ được đăng ký.
Tổng Giám đốc Nguyễn Huy Minh cho biết, chuỗi cửa hàng Fairtrade phát triển theo 3 mô hình: Flagship là cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm; Shop in Shop tận dụng không gian của quán café và xe bán hàng di động - chủ yếu để vận chuyển và nâng cao nhận diện thương hiệu.
Giá trị của tiêu chuẩn
Khó bán dù cung không đủ cầu đang là thực tế của ngành sản xuất thực phẩm an toàn - nhất là thực phẩm hữu cơ do sản phẩm có hình thức xấu, giá cao trong khi người tiêu dùng vẫn có tâm lý hoài nghi “chắc gì đã là rau sạch”.
Bà Bùi Thị Bời - Tân Lạc, Hòa Bình - cho biết, nhóm sản xuất của bà gồm 5 hộ trồng rau hữu cơ trên diện tích 1.600m2. Ngoài 50-60kg rau được cơ sở Tây Bắc Fresh thu mua mỗi tháng, phần lớn sản phẩm được bán ra chợ với giá thấp. “Dân địa phương không thích rau hữu cơ vì xấu mã, chẳng hạn su hào củ bé, tuy ngọt nhưng cứng” - bà Bời nói.
Trong khi đó, điểm mạnh của sản phẩm là “hữu cơ” thì không có dấu hiệu chứng minh khi bán ở chợ. Thế nên nhiều khi bà Bời mang đi 10kg thì phải bán rẻ 8kg.
Theo ông Lê Ngọc Nam - Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thu phục lòng tin của người tiêu dùng là điều kiện đầu tiên để đảm bảo đầu ra cho rau sạch. Sản phẩm phải có chứng nhận thực phẩm an toàn, gắn nhãn mác ghi rõ xuất xứ.
Tuy nhiên, cả sản phẩm có nhãn cũng chưa được tin tưởng. “Việt Nam đang gặp phải vấn đề kiểm soát, phân phối đối với các sản phẩm gắn nhãn mác. Khi xuất hàng, người nhận nhiều khi không nhận được thông tin đầu vào do phân phối sai quy trình. Sản phẩm thường bị đánh đồng, khó kiểm soát chất lượng và giá cả. Vì thế, cần có doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất - từ khâu gieo giống đến thu hoạch và giao đến tay người tiêu dùng. Làm như vậy sẽ đảm bảo được sản phẩm đầu ra, dễ dàng truy xuất từ đầu đến cuối” - ông Nam nhấn mạnh.
Một vấn đề quan trọng khác là bảo đảm giá trị của chính chứng chỉ thực phẩm sạch trong mắt người tiêu dùng, không chỉ bằng tiêu chuẩn khắt khe mà cả bằng hệ thống giám sát chặt chẽ.
Ông Nguyễn Công Trí - phụ trách truyền thông của hệ thống PGS - cho biết, PGS thu mua theo nhóm (gồm ít nhất 5 nông hộ), nếu một sản phẩm có vấn đề thì hàng hóa của cả nhóm sẽ bị từ chối. Để “giữ nồi cơm”, ngoài việc làm đúng, các hộ còn phải giám sát lẫn nhau. Hằng ngày, PGS đều lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên tại các cửa hàng. Mỗi khi có phản ánh xấu từ khách hàng, cả PGS lẫn nhà sản xuất đều kiểm tra, truy ra lỗi nằm ở khâu nào và xử lý nghiêm các vi phạm.
“Năm 2013, nông dân trồng rau hữu cơ ở xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam - nơi cung cấp hàng hoá cho hệ thống cửa hàng thực an toàn mang tên Mr Sạch ở Hà Nội - xuất được ít rau quá nên đến tận cửa hàng xem và thấy lượng lớn rau được dán nhãn ghi xuất xứ Trác Văn. Ban giám sát truy xuất theo sổ đăng ký bán rau của nông dân thì phát hiện sự gian dối về nguồn gốc.
Sau khi thông tin này được công khai, Mr Sạch biến mất khỏi thị trường rau sạch” - ông Trí kể và khẳng định, câu chuyện này là bằng chứng cho thấy một hệ thống giám sát tốt sẽ bảo đảm chất lượng của sản phẩm, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Nguồn: tcvn.gov.vn