Tìm hiểu về hệ thống camera analog
Khi các mối lo ngại về an ninh doanh nghiệp, an ninh gia đình, nhu cầu kiểm soát các loại tội phạm cũng như giám sát công cộng đồng loạt tăng trên toàn cầu thì nhu cầu sử dụng camera giám sát là tất yếu. Sau đây, tôi xin giới thiệu cơ bản về hệ thống camera Analog mà người tiêu dùng cần biết để có thể lựa chọn cho mình một hệ thống phù hợp. Một hệ thống camera Analog bao gồm camera Analog, đầu ghi hình và một số phụ kiện.
Camera Analog
Trên thị trường hiện nay, về mặt công nghệ, camera được chia thành 2 loại: Camera Analog (tín hiệu camera là tín hiệu tương tự) và camera ip (tín hiệu camera là tín hiệu số). Camera Analog thu tín hiệu hình ảnh cần quan sát, tín hiệu lúc này là tín hiệu analog được truyền qua đường cáp đồng trục tới đầu ghi hình kỹ thuật số (DVR). Mỗi camera Analog được cấp nguồn điện tại chổ hoặc bộ nguồn tập trung. Tùy theo từng loại camera mà sử dụng nguồn 220vAC hay 12vDC. Tại DVR, tín hiệu Analog chuyển đổi sang dạng tín hiệu số sau đó tín hiệu được nén và lưu vào ổ cứng để xem lại khi cần. Màn hiển thị hình ảnh được kết nối trực tiếp với DVR hoặc cũng có thể xem hình ảnh qua mạng LAN hoặc internet bằng máy tính, thiết bị android, ios…
Mô hình camera Analog
Hiện nay trên thị trường, camera Analog rất đa dạng về hình dạng, kích thước, tính năng, giá thành, nhãn hàng… nhưng tụ chung camera Analog có các loại sau:
Về hình dạng
- Camera thân: Có hình khối chữ nhật, ống kính gắn rời và điều chỉnh tiêu cự được (ống kính là thiết bị dùng để quan sát rõ vật thể xa, gần, rộng, hẹp tùy theo từng loại). Thường dùng để quan sát chi tiết các vật thể. Ưu điểm, ống kính có thể linh động thay đổi được, quan sát rõ các chi tiết. Khuyết điểm, không có tích hợp tính năng hồng ngoại (là tính năng tích hợp các led hồng ngoại có thể quan sát ban đêm), giá thành cao, nếu lắp ngoài trời phải có hộp bảo vệ chuyên dụng.
- Camera Dome: Có hình bán cầu, ống kính tích hợp không thay đổi tiêu cự được, có tích hợp tính năng hồng ngoại (tùy loại). Thường lắp trên trần nhà, dùng để quan sát khu vực cần góc nhìn rộng. Ưu điểm: Thiết kế nhỏ, gọn, thẩm mỹ, thích hợp cho các văn phòng, giá thành không cao. Nhược điểm: Không thể quan sát các vật thể ở xa, ống kính không thể thay đổi tiêu cự được, không thể lắp ngoài trời.
- Camera thân tích hợp: Có hình trụ hay hình khối chữ nhật, ống kính tích hợp không thay đổi tiêu cự được, có tích hợp tính năng hồng ngoại (tùy loại). Ưu điểm: thiết kế theo tiêu chuẩn ip66 chống bụi nước (tùy loại), thích hợp cho nhà xưởng, hành lang, hàng rào ngoài trời... giá thành không cao. Nhược điểm: Ống kính không thể thay đổi tiêu cự được.
- Camera Speed Dome (PTZ): Có hình cầu, ống kính tích hợp và có thể thay đổi tiêu cự được thông qua thiết bị điều khiển, có tích hợp tính năng hồng ngoại (tùy loại). Thường để quan sát khu vực rộng lớn như toàn nhà xưởng, trung tâm thương mại, kho, cầu cảng, bãi container… Ưu điểm: Thiết kế theo tiêu chuẩn ip66 chống bụi nước, có thể điều chỉnh quay sang phải, trái, lên, xuống; có thể phóng to, thu nhỏ hình ảnh bằng ống kính quang học thông qua các thiết bị điều khiển. Nhược điểm: Thiết kế to, có giá thành rất cao.
Độ phân giải hình ảnh: Độ phân giải hình ảnh được hiểu là độ nét hình ảnh của một camera. Các camera Analog được sản xuất theo nhiều độ phân giải khác nhau 460 TVL, 520 TVL, 700 TVL, 900 TVL, HD. Hiện nay, trên thị trường phát triển mạnh các camera Analog có độ phân giải HD (camera HD) vì cho ra hình ảnh có độ nét cao nhưng giá thành tương đối thấp. Camera HD thông dụng có các dòng camera 720P (1.0 Megapixel), 960P(1.3 Megapixel), 1080P(2.0 Megapixel)…
Tính năng camera analog: Hầu hết các camera Analog trên thị trường được sản xuất với các tính năng tương tự nhau và nổi bật các tính năng sau:
- Độ nhạy sáng: Là cường độ ánh sáng nhỏ nhất mà camera có thể nhìn thấy được vật thể, thường được tính bằng đơn vị là LUX.
- Bù ngược sáng: Là khả năng cân bằng ánh sáng của camera để quan sát vật thể rõ hơn trong môi trường có hai cường độ ánh sáng chênh lệch nhau, có hai công nghệ bù ngược sáng của camera phổ biến là BLC và WDR.
- Giảm nhiễu số (DNR): Là khả năng làm giảm tín hiệu nhiễu của môi trường tác động lên hình ảnh và làm cho hình ảnh được rõ hơn bằng phương pháp kỹ thuật số.
- Bắt chuyển động (Motion detection): Là khả năng nhận biết sự chuyển động vật thể và tự thông báo bằng nhiều hình thức của camera thông qua cài đặt của người dùng.
- Mặt nạ che (Privacy Mask): Tính năng này cho phép người dùng tạo ra các vùng mù trên hình ảnh của camera.
Đầu ghi hình kỹ thuật số (DVR)
Là thiết bị nhận các tín hiệu tương tự từ các camera và chuyển đổi sang tính hiệu số, sau đó xử lý tín hiệu lưu vào ổ cứng và hiển thị hình ảnh ra màn hình quan sát. Hiện nay, các đầu ghi hình thường được tích hợp thêm một vài tính năng giám sát thông minh như: Ghi hình theo lịch đặt trước, cảnh báo chuyển động, phóng to thu nhỏ hình ảnh bằng phương pháp ảnh số (không phải bằng ống kính quang học). Các DVR được sản xuất theo số lượng camera được kết nối vào (kênh), trên thị trường có các DVR 4, 8, 16, 24, 32 kênh tùy theo số lượng tối đa camera kết nối vào mà người dùng có thể chọn DVR có số kênh tương ứng, vì điều này ảnh hưởng đến chi phí đầu đầu tư.
Phụ kiện cho hệ thống camera:
Cáp tín hiệu: Là loại cáp đồng trục, chống nhiễu, dùng để kết nối giữa các camera và đầu ghi hình.
Cáp nguồn: Thường dùng là dây điện để truyền dẫn nguồn điện cho camera hoạt động.
Nguồn cấp 12VDC, 24VDC (Adaptor): là thiết bị dùng để chuyển từ nguồn điện 220vAC sang 12vDC hay 24vDC cung cấp cho các camera sử dụng nguồn điện tương ứng. Adaptor có hai dạng, dạng đơn cấp cho 1 camera, dạng nguồn tổng cung cấp cho nhiều camera tùy theo công xuất của mỗi bộ.
Ổ cứng (HDD): Là thiết bị lưu giữ dữ liệu hình ảnh của camera để người dùng có thể xem lại hình ảnh thông qua DVR. HDD có nhiều giá trị khác nhau 500GB, 1TB, 2TB, 4TB… tùy theo số lượng camera và số ngày cần lưu giữ hình ảnh mà người dùng có thể chọn HDD có giá trị lớn hay nhỏ.
Trần Phước