Tỉnh Bình Dương: Đánh giá sơ kết việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011-2015
Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng chính phủ (sau đây gọi tắt là Chiến lược), vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá sơ kết việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược trong giai đoạn 2011-2015.
Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng chính phủ (sau đây gọi tắt là Chiến lược), vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá sơ kết việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược trong giai đoạn 2011-2015. Theo kết quả đánh giá, bên cạnh một số chỉ tiêu tỉnh đã đạt được so với kế hoạch, vẫn còn có những chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa đánh giá được do phương pháp, số liệu phục vụ việc đánh giá chưa được hoàn chỉnh, thống nhất và đầy đủ. Cụ thể kết quả đánh giá như sau:
1. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao
Mục tiêu của Chiến lược: Đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP.
Hiện tại, Cục Thống kê tỉnh Bình Dương chưa thực hiện thống kê các chỉ tiêu giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao theo danh mục được ban hành tại Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2015.
2. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị
Mục tiêu của Chiến lược: Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10-15%/năm giai đoạn 2011-2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016-2020.
Trong năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã cung cấp các số liệu của tỉnh Bình Dương cho Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ để tính toán thử chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị. Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng xong Quy trình và phương pháp tính toán tạm thời chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị áp dụng cho địa phương, tuy nhiên, một số tiêu chí chưa có số liệu, hiện tại Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đang phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ để hoàn thiện phương pháp tính toán này.
Qua kết quả đánh giá sơ bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ trong năm 2015 cho thấy tỉ số này còn thấp. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới thực trạng nói trên, nguyên nhân trực tiếp là đa số các doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ. Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn rất thấp. Mặc dù pháp luật hiện hành đã có quy định bắt buộc doanh nghiệp nhà nước (và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân) trích thu nhập tính thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, rất ít doanh nghiệp quan tâm tới đầu tư thành lập quỹ này.
Nguyên nhân khác là do KH&CN chưa được xem là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, thay vào đó, tính cạnh tranh của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào phát triển theo chiều rộng, tận dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có và tăng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, việc chưa có chính sách đồng bộ, hiệu quả để phát triển nhanh lực lượng doanh nghiệp KH&CN cũng là một cản trở lớn đối với nỗ lực thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc nghiên cứu đổi mới, nâng cấp công nghệ
3. Số lượng công bố quốc tế
Mục tiêu của Chiến lược: Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng trung bình 15-20%/ năm.
Do các nhiệm vụ nghiên cứu cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là nghiên cứu ứng dụng nên Sở chỉ tập trung xây dựng triển khai những tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất và cuộc sống là chính, không triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản. Qua đó, cũng có một số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học và công nghệ uy tín trong nước như: tạp chí phát triển KH&CN, tạp chí khí tượng thủy văn… và số còn lại hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo sau đại học.
4. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ của Việt Nam
Mục tiêu của Chiến lược: Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2006-2010, giai đoạn 2016-2020 tăng 2 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Trong giai đoạn 2011-2015, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ tăng 66% so với giai đoạn 2006-2010. Cụ thể, số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn 2011 - 2015 là 58 (giai đoạn 2006 - 2010 là 35); số văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn tương ứng là 3 và 11.
Mặc dù đạt được mục tiêu của Chiến lược, nhưng số lượng đơn do các tổ chức, cá nhân đăng ký còn rất khiêm tốn so với tầm phát triển và thực tế của tỉnh. Mặc dù tỉnh có những chính sách hỗ trợ đối với việc đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, tuy nhiên do một số tác giả vẫn còn tâm lý e ngại bộc lộ tính mới của sáng chế, giải pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, theo quy định thì thời gian xem xét cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích là khá dài nên các tác giả không muốn đăng ký bảo hộ.
5. Tổng đầu tư xã hội cho KH&CN
Mục tiêu của Chiến lược: Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020. Bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm.
Tổng đầu tư xã hội cho KH&CN năm 2015 khoảng 21,6 tỷ đồng, tương đương 0,06% GDP, trong đó 95,83% từ ngân sách nhà nước, 4,17% từ khu vực doanh nghiệp và vốn nước ngoài. Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu của Chiến lược.
Về đầu tư từ ngân sách nhà nước, mặc dù chỉ tiêu tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho KH&CN đã được quy định tại Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XI), Luật KH&CN năm 2013 và Chiến lược, nhưng thực tế những năm gần đây chỉ đạt khoảng 0,17% chi ngân sách nhà nước. Nếu chi đủ 2%, ngân sách nhà nước cho KH&CN mới đạt trên 0,72% GDP.
6. Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Mục tiêu của Chiến lược: Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) đạt 9-10 người/1 vạn dân vào năm 2015 và 11-12 người/1 vạn dân vào năm 2020.
Theo kết quả điều tra năm 2014, tổng số nhân lực của các tổ chức khoa học và công nghệ đang hoạt động tại tỉnh Bình Dương hiện nay là 307 người (trong đó Tiến sỹ: 27 người; Thạc sỹ: 60 người; Cao đẳng, Đại học: 182 người; Trung cấp, khác: 38 người).
Tổng số nhân lực của các trường đại học đang hoạt động tại tỉnh Bình Dương hiện nay là 2.364 người (trong đó trên đại học: 1.669 người; đại học: 687 người; trình độ khác: 8 người).
Như vậy, số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) đạt 14 người/1 vạn dân. Mặc dù đạt được mục tiêu của Chiến lược, tuy nhiên nếu quy đổi toàn thời gian (FTE), số lượng cán bộ R&D của Bình Dương còn rất khiêm tốn.
7. Số cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao
Mục tiêu của Chiến lược: Đến năm 2015, hình thành 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao; năm 2020, hình thành 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa hình thành các cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao. Do thực tế doanh nghiệp chưa quan tâm đến lĩnh vực này, bên cạnh đó, các tiêu chí để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm khởi nghiệp với công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao làm hạn chế các cơ sở ươm tạo công nghệ cao và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao phát huy vai trò trong việc hỗ trợ việc hình thành công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao.
8. Số doanh nghiệp KH&CN
Mục tiêu của Chiến lược: Đến năm 2015, hình thành 3.000 doanh nghiệp KH&CN; năm 2020, hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập, tỉnh Bình Dương có 03 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Doanh thu từ việc thương mại các sản phẩm khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2014 đạt 50,641 tỷ đồng, chiếm 97% trên tổng doanh thu của các doanh nghiệp.
Tuy số lượng doanh nghiệp thực chất là doanh nghiệp KH&CN không nhỏ, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký và đã được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN còn khiêm tốn. Do sự chưa đồng thuận giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN; cơ chế công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước làm cơ sở đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN chỉ mới được ban hành; nhiều sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN là các sản phẩm đổi mới sáng tạo mới, chưa có trên thị trường, chưa có quy chuẩn chất lượng so sánh,... khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận.
9. Số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và quốc tế
Mục tiêu của Chiến lược: Hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới năm 2015 và 60 tổ chức năm 2020, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với KH&CN.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 25 tổ chức khoa học và công nghệ, qua đó nhằm đẩy mạnh chức năng nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất và cuộc sống. Bên cạnh đó, thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực được giao tốt hơn, góp phần tạo công bằng trong giao dịch, mua bán, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ của các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực an toàn bức xạ, an toàn lao động.
Để từng bước tháo gỡ các khó khăn trong triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN, trong đó có hướng dẫn phân cấp quản lý cụ thể việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên kết. Đồng thời mở rộng việc cung cấp thông tin về kết quả hoạt động của các tỉnh, thành phố trong cả nước để các địa phương xem xét, lựa chọn triển khai áp dụng phù hợp với điều kiện của địa phương mình.
- Quy định rõ danh mục các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng cho các tổ chức KHCN công lập làm cơ sở để địa phương cho chủ trương thực hiện, tổ chức thẩm định thống nhất và hướng dẫn việc phân bổ kinh phí cho tổ chức KHCN theo dạng giao dự toán đầu năm hay cấp theo tiến độ Hợp đồng.
- Sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chiến lược, trong đó quy định rõ nội dung do Trung ương thực hiện và nhiệm vụ do địa phương thực hiện./.
Đình Trúc