Tỉnh Bình Dương: Tình hình triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 -2020
Với mục tiêu đến năm 2020, khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 - 15%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15 - 17%/năm. Tỉnh Bình Dương đã đánh giá sự đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng kinh tế đo bằng chỉ số yếu tố năng suất tổng hợp - TFP.
Theo đó, chỉ số yếu tố năng suất tổng hợp - TFP phản ánh hiệu quả của các nguồn lực được sử dụng vào sản xuất, hiệu quả do thay đổi công nghệ, trình độ tay nghề của nhân công, trình độ quản lý… Theo số liệu từ Cục Thống kê, tỷ trọng đóng góp của các yếu tố vào GDP của tỉnh trong năm 2016 là 33,7%. Tỷ lệ này đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nếu như năm 2010-2011 đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế là 20% thì tính trong giai đoạn 2012-2016, TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 28,11% (cả nước là 26%).
Về triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, do các nhiệm vụ nghiên cứu cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là nghiên cứu ứng dụng nên Sở KH&CN chỉ tập trung xây dựng triển khai những tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất và cuộc sống là chính, không triển khai các nhiệm vụ cơ bản. Đây là giải pháp mang tính chiến lược giúp hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển nhanh và bền vững.
Một số chỉ tiêu về tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị; sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ, do một số yếu tố khách quan, tỉnh Bình Dương chưa thực hiện các chỉ tiêu này, trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện phương pháp tính toán tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị và tính giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, để góp phần định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ trong thời gian tới, Sở KH&CN cũng hướng tới xây dựng và thực hiện mô hình “ba nhà” của đề án thành phố thông minh Bình Dương; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình nghiên cứu phục vụ phát triển thành phố thông minh Bình Dương; hình thành và phát triển các phòng thí nghiệm, chế tạo, phòng thí nghiệm kỹ thuật và các không gian sáng tạo để cung cấp môi trường đào tạo và làm việc nghiên cứu KH&CN thực tế cho doanh nghiệp, sinh viên, hoc sinh; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua: hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức thúc đầy kinh doanh, quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế chính sách của địa phương; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực trong công tác quản lý nhà nước và dịch vụ cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN tiếp tục đổi mới cơ chế tổ chức quản lý hoạt động KH&CN; đổi mới cơ chế cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; triển khai việc đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước cho KH&CN, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN; tăng cường mọi hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; liên kết trong nước và hội nhập quốc tế về KH&CN
Thơ Mộng