Tọa đàm khoa học “Phát triển nguồn nhân lực Công nghệ số, Công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ”
Sáng ngày 20/06/2024, Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tự động Biển Đông (ESTEC) đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Phát triển nguồn nhân lực Công nghệ số, Công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ”.
Tham dự buổi tọa đàm có TS. Đoàn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một, TS. Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở KH&CN; cùng các đại biểu là đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, sinh viên các trường theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
TS. Đoàn Ngọc Xuân phát biểu khai mạc tọa đàm
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm tạo cơ hội để mọi người cùng nhau thảo luận, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn, những xu hướng mới nhất, cũng như những thách thức và cơ hội trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, am hiểu và làm chủ công nghệ số, trở thành yếu tố then chốt quyết định sự thành công trong việc hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam bộ.
Nội dung buổi tọa đàm gồm 02 phần: Phần báo cáo và phần trao đổi thảo luận. Trong đó, phần báo cáo gồm các vấn đề như:
1. Đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn tại Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh: Góc nhìn từ doanh nghiệp người Việt tại Mỹ. Bằng góc nhìn, kinh nghiệm thực tiễn và những ý tưởng sáng tạo, diễn giả cho rằng việc đầu tư và phát triển ngành công nghiệp này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Diễn giả đang trình bày nội dung “Vi mạch bán dẫn cho Việt Nam - Cái nhìn từ Thung lũng Silicon Valley”
2. Hiện trạng ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Các đại biểu tham dự đã có cái nhìn tổng quan về tình hình hiện tại của ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, bao gồm những thành tựu đã đạt được, những khó khăn đang gặp phải và tiềm năng phát triển trong tương lai. Từ đó đề xuất những giải pháp và chiến lược phù hợp để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
3. Mô hình nhà máy sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0. Phần giới thiệu này đã cung cấp cho đại biểu cái nhìn tổng quan và sâu sắc về xu hướng phát triển công nghệ 4.0, đồng thời là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp và nhà quản lý trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
4. Đào tạo lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - Kinh nghiệm từ AI Acamedy Việt Nam. Đây là ngành đào tạo chỉ mới xuất hiện trong xã hội công nghệ 4.0 hiện nay, và AI đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Do đó việc hiểu rõ hơn về tình hình đào tạo AI tại Việt Nam sẽ còn cung cấp những gợi ý và giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, trong buổi tọa đàm đã diễn ra buổi ký kết ghi nhớ (MOU) giữa Trường Đại học Thủ Dầu Một và 02 doanh nghiệp dưới sự chứng kiến của các đại biểu tham dự.
Lễ kí kết MOU
Qua buổi tọa đàm này, các đại biểu có những cái nhìn toàn diện hơn về các chủ đề đã được báo cáo, kết hợp với việc thảo luận, chia sẻ những ý kiến đa chiều, những kinh nghiệm thực tiễn để từ đó tìm ra những giải pháp hữu ích, hiệu quả, mở ra những cơ hội hợp tác, phát triển mới trong tương lai.
Quí Dương