Tổng kết 10 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ
Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2005 và được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 (sau đây gọi là “Luật SHTT”), đã trải qua 10 năm thi hành kể từ ngày có hiệu lực 01/07/2006.
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) ra đời năm 2005 đã đánh dấu một bước phát triển mới cho lĩnh vực SHTT ở Việt Nam, là xương sống của hệ thống pháp luật về SHTT, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành và các điều luật về SHTT trong các đạo luật cơ bản khác như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự,… đã tạo nên hệ thống bảo hộ pháp lý về SHTT của Nhà nước Việt Nam.
Luật SHTT là xương sống của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành và các điều luật về sở hữu trí tuệ trong các đạo luật cơ bản khác như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự…, đã tạo nên hệ thống bảo hộ pháp lý về sở hữu trí tuệ của Nhà nước. Luật SHTT đã đóng vai trò cơ sở pháp lý cho việc xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đạt mục tiêu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, qua đó góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Luật SHTT cũng đóng vai trò nền tảng, đưa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đạt chuẩn mực phổ biến của thế giới theo Hiệp định TRIPS của WTO, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, qua 10 năm thi hành cho thấy Luật SHTT vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định, cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, yêu cầu hội nhập quốc tế giai đoạn mới đã đặt ra các tiêu chuẩn về bảo hộ SHTT ngày càng cao, đòi hỏi Luật SHTT của ta phải phù hợp để sẵn sàng hoặc bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các hiệp định thương mại tự do mà Nhà nước ta đã đàm phán hoặc ký kết trong thời gian vừa qua như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA),... Việc rà soát Luật SHTT và pháp luật liên quan đã được tiến hành nhằm xác định những vấn đề cần được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh nêu trên, việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật SHTT là cần thiết, để xác định vấn đề và giải pháp từ đó hoàn thiện Luật SHTT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Việc tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kế hoạch thực hiện tại Quyết định số 3900/QĐ-BKHCN ngày 07/12/2016.
Mục đích tổng kết
- Đánh giá tình hình thi hành Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật SHTT;
- Đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết bất cập, nâng cao hiệu quả xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Hình thức tổng kết
Việc tổng kết sẽ được tiến hành bằng một hoặc một số trong các hình thức sau đây:
- Thống kê số liệu, khảo sát, phân tích thực tiễn thi hành Luật SHTT;
- Lấy ý kiến của các giới thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật SHTT, đặc biệt là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức hành nghề SHTT: Hội SHTT Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hội Luật gia, Liên đoàn luật sư Việt Nam,...;
- Tổ chức hội thảo khoa học, thuê chuyên gia nghiên cứu và viết báo cáo chuyên đề khoa học;
- Tổ chức hội thảo, hội nghị đánh giá về các vấn đề cần thảo luận.
- Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT (2006 - 2016) đối với tất cả các lĩnh vực SHTT, sẽ được đăng tải trên trang tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thời hạn là 28/02/2017.
Minh Đức