Tổng kết Chương trình Tình nguyện viên Quốc tế IBM CSC lần thứ 15 tại Bình Dương
Thực hiện công văn số 412/UBND-VX, ngày 29 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc tiếp nhận hỗ trợ tư vấn kỹ thuật Đoàn tình nguyện viên quốc tế IBM, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì phối hợp với các đơn vị: Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), trường Đại học Thủ Dầu Một, Trung tâm CNTT – Lưu trữ Tài nguyên Môi trường Bình Dương (Sở Tài nguyên và Môi trường); tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia tình nguyện viên quốc tế IBM từ ngày 07/5/2018 đến ngày 01/6/ 2018.
I. Nội dung hoạt động chính của chương trình
Ngày 7 tháng 5 năm 2018, Lễ khởi động chương trình được tổ chức với sự tham gia của: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các thành viên tham gia chương trình hỗ trợ của 04 đơn vị; cùng 14 chuyên gia nhóm IBM (Chuyên gia) trong đó có 14 chuyên gia nước ngoài và các Đơn vị thông tin truyền thông như Báo Bình Dương, website Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương và Tạp chí Lao động Bình Dương.
Kết thúc Lễ Khởi động, các Chuyên gia làm việc với các Đơn vị nhận hỗ trợ tư vấn gồm: Sở Y tế tỉnh Bình Dương (Nhóm 1), Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) (Nhóm 2), Trường Đại học Thủ Dầu Một (Nhóm 3) và Trung tâm CNTT – Lưu trữ Tài nguyên Môi trường Bình Dương (Sở Tài nguyên – Môi trường) (Nhóm 4). Ngày đầu tiên làm việc, các Nhóm giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Đơn vị mình, đồng thời nêu những mục tiêu và yêu cầu kết quả kỳ vọng sẽ đạt được sau khi kết thúc Chương trình.
1. Tuần thứ Nhất – Giới thiệu và xác định mục tiêu
Tuần lễ thứ nhất từ ngày 07/5 đến ngày 11/5, sau khi làm việc với các Đơn vị, các Chuyên gia đã định hướng, tổng hợp được mục tiêu cần hỗ trợ cho các Đơn vị, cụ thể:
Nhóm 1: Sở Y tế tỉnh Bình Dương
- Đoàn làm việc với Lãnh đạo và nhóm tham gia dự án của Sở Y tế ngay sau lễ khởi động. Thống nhất kế hoạch làm việc trong tuần.
- Đoàn đến làm việc tại Sở Y tế (Giới thiệu lãnh đạo Sở, Phỏng vấn, thu thập thông tin thuộc phạm vi Sở Y tế quản lý).
- Đoàn làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, VNPT Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tìm hiểu, xác định phần mềm, ứng dụng đang triển khai tại các cơ sở y tế.
- Phân tích, thảo luận, mô tả, đánh giá phạm vi công việc, điều chỉnh mục tiêu nhiệm vụ.
- Thảo luận thống nhất, xác định phạm vi công việc, ký kết bản ghi nhớ đánh giá phạm vi công việc.
Nhóm 2 : Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội)
- Tìm hiều về các nguồn dữ liệu Trung tâm đang có.
- Khảo sát cách thức thu thập dữ liệu của Trung tâm.
- Khảo sát hiện trạng cấu trúc dữ liệu của Trung tâm.
- Chuyên gia và Trung tâm thảo luận về hiện trạng và cấu trúc dữ liệu của Trung tâm.
- Xem lại phạm vi và ký kết Phạm vi công việc giữa Trung tâm với đoàn chuyên gia IBM.
- Lên kế hoạch làm việc cho các tuần tiếp theo.
Nhóm 3: Trường Đại học Thủ Dầu Một
- Xác định nhiệm vụ trong các tuần tiếp theo đối với Dự án tại trường gồm:
+ Xác định mô hình Đại học thông minh
+ Tiến hành đánh giá khả năng hiện tại của Đại học Thủ Dầu Một với các yếu tố cụ thể liên quan đến trường đại học thông minh
+ Đưa ra các khuyến nghị về các yếu tố cụ thể để trở thành một trường đại học thông minh, làm nổi bật điểm mạnh, điểm yếu và các bước tiến triển có thể.
+ Tiến hành các hội thảo
+ Duy trì các kiểm soát, đánh giá thường xuyên với Đại học Thủ Dầu Một.
- Theo đó, kết quả dự kiến bao gồm:
+ Cung cấp báo cáo Phân tích các yếu tố cụ thể được xác định để trở thành một trường đại học thông minh. Tài liệu này, bên cạnh việc đánh giá khả năng hiện tại của Đại học Thủ Dầu Một, thì sẽ đề xuất Mô hình đại học thông minh; đồng thời đưa ra các khuyến nghị về các yếu tố cụ thể để trở thành một trường đại học thông minh.
- Cung cấp 2 hội thảo sau:
+ Hội thảo 1: Ứng dụng phương pháp tư duy thiết kế cho các cán bộ, nhân viên trường đại học Thủ Dầu Một
+ Hội thảo 2: Ứng dụng phương pháp tư duy thiết kế cho sinh viên để giúp nâng cao kỹ năng mềm.
Nhóm 4: Trung tâm CNTT – Lưu trữ Tài nguyên Môi trường Bình Dương (Sở Tài nguyên – Môi trường)
- Phỏng vấn các chuyên viên của Sở TNMT có liên quan, thu thập nhu cầu, phân tích quá trình luân chuyển hồ sơ, đánh giá kỹ năng hiện có của nhân viên Trung tâm CNTT-Lưu trữ, nghiên cứu giải pháp tốt nhất trong việc chia sẻ dữ liệu toàn Sở.
- Xây dựng các mô hình, biểu mẫu tiền đề cho thiết kế kiến trúc hệ thống.
2. Tuần thứ Hai và tuần thứ Ba – Triển khai đánh giá, hoạt động, tìm giải pháp giải quyết vấn đề
Trong thời gian làm việc của tuần thứ 2 và tuần thứ 3, các nhóm đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, phỏng vấn, tham quan trao đổi với các tổ chức, cơ quan, khách hàng để tìm ra hướng giải quyết vấn đề, đề ra các giải pháp để thực hiện những mục tiêu đã được xác định. Cụ thể:
Nhóm 1: Sở Y tế tỉnh Bình Dương
- Đoàn làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tìm hiểu, phỏng vấn đội ngũ công nghệ thông tin của bệnh viện và người cung cấp phần mềm.
- Đoàn làm việc với Trung tâm Y tế Thuận An về phần mềm Medisoft và khảo sát 01 Trạm Y tế thuộc Thuận An sử dụng phần mềm VNPT-HIS.
- Trao đổi, thảo luận cùng Đoàn chuyên gia.
- Đoàn chuyên gia tổ chức Hội thảo tập huấn, trao đổi, chuyển giao kỹ năng, phương pháp tư duy, phân tích cho cán bộ CNTT ngành Y tế.
Nhóm 2: Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội)
- Chuyên gia tìm hiểu nguyên nhân và tác động đến Mục tiêu của dự án thông qua đồ thị Xương cá.
- Chuyên gia tìm hiểu sâu về Chất lượng, cách thu thập dữ liệu và cấu trúc công nghệ thông tin của Trung tâm.
- Trong tuần này, các chuyên gia cũng đã trình bày phân tích SWOT.
- Xác định lỗ hỏng kiến trúc công nghệ thông tin và xác định kiến trúc tham khảo.
- Tổ chức tập huấn phép phân tích sử dụng R và Python.
- Đưa ra những khuyến nghị kiến trúc cở sở hạ tầng công nghệ thông tin tham khảo.
- Trình bày lộ trình Quản lý và phân tích dữ liệu cùng với khuyến nghị.
Nhóm 3: Trường Đại học Thủ Dầu Một:
Các Chuyên gia đã có 10 lần phỏng vấn trực tiếp với Lãnh đạo Nhà trường, Lãnh đạo các Trung tâm, các Viện, Lãnh đạo các Phòng ban, các Khoa; tiến hành 03 Hội thảo từ duy thiết kế và khảo sát qua mạng với 03 đối tượng là nhóm, Chuyên viên, Giảng viên và Sinh viên thuộc các Phòng, Trung tâm, Khoa khác nhau; đồng thời tổ chức các đợt tham quan các phòng, trung tâm thực nghiệp, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất,…nhằm tìm hiểu nguyện vọng, những thuận lợi cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình công tác hiện nay; qua đó xác định năng lực hiện tại của Trường Đại học Thủ Dầu Một, xây dựng lộ trình hướng đến Đại học thông minh theo mô hình phù hợp nhất.
Nhóm 4: Trung tâm CNTT – Lưu trữ Tài nguyên Môi trường Bình Dương (Sở Tài nguyên – Môi trường)
- Đoàn đã làm việc lần 2 với một số chuyên viên trong Sở, làm rõ lại một số vấn đề còn vướng mắc.
- Làm việc với Trung tâm công nghệ thông tin – Lưu trữ (TT CNTT-LT) về năng lực làm việc và các kỹ năng mềm để có cơ sở tư vấn các công nghệ cần nghiên cứu phục vụ công việc.
- Tập huấn kỹ năng xây dựng kiến trúc hệ thống, kỹ năng sử dụng một số phần mềm, công cụ (ngôn ngữ R, phần mềm Python, …) phục vụ cho việc phân tích cơ sở dữ liệu, đáp ứng yêu cầu nâng cao khối lượng, chất lượng dịch vụ của đơn vị.
3. Tuần thứ Tư – Đánh giá kết quả
Sau 3 tuần làm việc, từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 01 tháng 6, các Nhóm và Chuyên gia đã tổng hợp được kết quả:
Nhóm 1: “Chiến lược phát triển tích hợp dữ liệu từ các hệ thống thông tin khám chữa bệnh”
Với mục tiêu phân tích, đề ra các giải pháp tích hợp, tập trung hóa dữ liệu khám chữa bệnh từ các hệ thống thông tin khác nhau ở các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế đề nghị, Đoàn chuyên gia đã làm việc cùng với cán bộ Sở Y tế được phân công và bộ phận công nghệ thông tin tại các đơn vị trực thuộc để nghiên cứu hiện trạng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của một số cơ sở y tế nhằm đưa ra các kiến nghị.
Sau một tháng làm việc với tinh thần khẩn trương, chuyên nghiệp của các chuyên gia, từ việc khảo sát thực tế, tìm hiểu hiện trạng của các hệ thống thông tin, việc ứng dụng các phần mềm phục vụ khám chữa bệnh; phân tích, đánh giá mẫu cơ sở dữ liệu hiện có để đưa ra các kiến nghị cho việc tích hợp, tập trung hóa, kết nối dữ liệu từ các hệ thống thông tin khác nhau; Đoàn đã đưa ra một số kiến nghị, giải pháp bao gồm:
• Tập trung hóa dữ liệu phục vụ báo cáo;
• Tập trung hóa dữ liệu phục vụ bệnh nhân chuyển tuyến.
Bên cạnh đó, Đoàn chuyên gia IBM cũng đưa ra kiến nghị 3 giải pháp bổ sung cho tương lai gồm:
• Tất cả các cơ sở y tế sử dụng chung một phần mềm;
• Kết nối với cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin khám chữa bệnh với các tỉnh thành lân cận.
• Kết nối với cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin các bệnh viện lớn tại Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả tư vấn, các kiến nghị từ các chuyên gia IBM, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu, tham khảo, phân tích, từng bước triển khai để có thể xây dựng được mô hình tập trung hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế từ các hệ thống thông tin khác nhau, làm cơ sở, tiền đề cho triển khai y tế điện tử.
Qua hợp tác làm việc cùng các chuyên gia nước ngoài lần này, các cán bộ và nhân viên công nghệ thông tin ngành y tế có thể học hỏi được tính chuyên nghiệp trong việc tiếp cận, trao đổi, thảo luận, và phân tích vấn đề từ đó xây dựng được những lộ trình công việc một cách cụ thể để đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề hữu ích. Đồng thời, cũng học tập từ các Chuyên gia phương pháp làm việc theo nhóm, các thành viên trong nhóm cần có sự tương tác với nhau, giúp tạo ra được một tinh thần hợp tác, biết phối hợp và phát huy các ưu điểm của các thành viên trong nhóm để cùng nhau đạt đến một kết quả khả quan nhất cho mục tiêu đã đặt ra ban đầu.
Nhóm 2: “Lộ trình quản lý dữ liệu và dự báo thị trường lao động”
- Phân tích SWOT để tìm ra các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức dựa trên các chức năng và hoạt động tại Trung tâm nhằm giúp Trung tâm tự đánh giá về mình và tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.
- Nhóm chuyên gia đã xác định các lỗ hỏng trong cấu trúc công nghệ thông tin Trung tâm, sau đó nhóm chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị đồng thời đưa ra những kiến trúc cở sở hạ tầng công nghệ thông tin tham khảo như kiến trúc phân tích tham khảo sử dụng nền tảng HPC…
- Nhóm chuyên gia đã nghiên cứu tính xác thực của dữ liệu hiện tại và quá trình thu thập dữ liệu, sau đó đưa ra khuyến nghị về kế hoạch cải thiện xác định và đưa ra Lộ trình quản lý dữ liệu, lộ tình thu thập dữ liệu và mô hình phân tích để tham khảo, các thành phần quản lý và phân tích dữ liệu, các nhân tố khoa học dữ liệu, Các công cụ, công nghệ và mô hình phân tích tham khảo cụ thể: Nhóm chuyên gia đã làm việc với Trung tâm dịch vụ việc làm, áp dụng nhiều kỹ thuật để hiểu rõ hơn về hiện trạng và chỉ ra giải pháp gồm 5 yêu cầu mang tính chiến lược: Nguồn dữ liệu, nhập dữ liệu, Data Lake, Thông tinh chuyên sâu và Ứng dụng cho truy cập dữ liệu; Các yêu cầu chiến lược tạo thành nền tảng phân tích dữ liệu có khả năng không chỉ sử dụng dữ liệu hiện có hiện nay, mà còn cho các dữ liệu được thu thập trong tương lai dựa trên quy trình thu thập dữ liệu được cả thiện bởi Trung tâm dịch vụ việc làm; Giải pháp bao gồm các công nghệ hiện có dưới dạng nền tảng mở cho Trung tâm chọn công nghệ tốt và phù hợp nhất với các kĩ năng và tài chính hiện có của tổ chức. Giải pháp cũng cung cấp 6 mô hình dự báo được sử dụng tại nhiều khu vực trên thế giới nhằm giải quyết các vấn đề tương tự như Trung tâm đang gặp phải.
Nhóm 3: “Thủ Dầu Một – Mô hình Đại học Thông minh”
- Qua nghiên cứu thực tế, các chuyên gia từ IBM đã xác định định nghĩa về trường Đại học Thông minh theo mô hình “Spectrum” mà theo họ là phù hợp nhất đối với Trường Đại học Thủ Dầu Một. Mô hình đó gồm 05 khía cạnh cần xem xét, đó là: (i) Khuôn viên thông minh; (ii) Con người thông minh; (iii) Nghiên cứu thông minh; (iv) Quản trị thông minh; và (v) Công nghệ thông minh. Theo đó, ở từng khía cạnh, họ đã đưa ra những đặc điểm cũng như những tiêu chí cụ thể. Những tiêu chí này đều được nghiên cứu và đề xuất dựa trên tiêu chí của AUN (The ASEAN University Network) –Mạng lưới đào tạo Đông Nam Á mà Trường Đại học Thủ Dầu Một đã và đang cố gắng xây dựng để trở thành thành viên.
Theo đánh giá của Đoàn chuyên gia IBM, với các tiêu chí của một trường đại học thông minh theo mô hình Spectrum thì trường Đại học Thủ Dầu Một có nhiều điểm xuất phát rất thuận lợi để phát triển chiến lược trường đại học thông minh. Để giúp Trường có những bước đi vững chắc trên lộ trình phát triển chiến lược thành đại học thông minh, các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị mà Trường cần phải thực hiện. Những khuyến nghị đó là: (i) Khuyến nghị về xây dựng quy trình đánh giá – triển khai nhằm cải tiến liên tục cho một số hoạt động, nội dung như Kế hoạch chiến lược, các Quy trình Thủ tục của Nhà trường, Cải tiến và phát triển các Khóa học, Nghiên cứu và dạy học, Thành công của sinh viên - Mối quan hệ giữa nội dung giảng dạy và thực tế áp dụng; (ii) Khuyến nghị về Hợp nhất các quy trình của Trường để tạo thành 01 Khu dữ liệu chung trước khi thông tin ra bên ngoài, theo đó các công cụ tích hợp dự liệu được khuyến nghị Informatica, Microsoft, Oracle và của IBM; (iii) Khuyến nghị về Phát triển chương trình cộng tác giáo dục giữa việc huy động vốn và nguồn nhân lực của Doanh nghiệp với việc đào tạo, trang bị cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Nhóm 4: “Xây dựng kiến trúc hệ thống chia sẻ, tra cứu dữ liệu Tài nguyên môi trường tập trung của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Bình Dương”
Với mục tiêu xây dựng kiến trúc một hệ thống phục vụ chia sẻ, tra cứu dữ liệu của các cơ sở dữ liệu đang sử dụng tại Sở TN&MT tỉnh Bình Dương, Đoàn chuyên gia đã làm việc cùng với Trung tâm Công nghệ thông tin – Lưu trữ nghiên cứu hiện trạng cơ sở dữ liệu của Sở TN&MT và nghiên cứu lựa chọn các phương án thiết kế hệ thống.
Kết quả Đoàn chuyên gia đã xây dựng được bản thiết kế hệ thống tra cứu dữ liệu của Sở TN&MT. Đây chỉ là tài liệu thiết kế ở mức ý tưởng, chưa phải là tài liệu thi công chi tiết. Tuy nhiên, nội dung tài liệu cũng mô tả được cách thức, phương án kỹ thuật kết nối giữa các cơ sở dữ liệu riêng lẻ để có được hệ thống tra cứu dữ liệu thống nhất. Ngoài ra, Đoàn cũng cung cấp tài liệu về các bước triển khai hệ thống, các khuyến nghị nên thực hiện sớm và các công việc nên làm.
Kết quả tư vấn chuyên môn của các Chuyên gia là sản phẩm thiết kế riêng sau khi phân tích rõ các điểm mạnh, điểm yếu của Sở TN&MT, hoàn toàn phù hợp với hiện trạng Sở TN&MT, đảm bảo tận dụng được các nguồn lực sẵn có, tiết kiệm chi phí triển khai, đồng thời còn có nhiều phương án thay thế và hướng mở để phát triển tùy vào tình hình thực tế, nhu cầu và nguồn kinh phí của Sở TN&MT không gò bó vào một khuôn mẫu cụ thể. Kết quả tư vấn có tính khoa học và thực tiễn ứng dụng cao. Nhóm chuyên viên của Sở TN&MT sẽ đem kết quả, cũng như phương pháp tiếp cận, phương pháp phân tích đánh giá học hỏi từ đoàn Chuyên gia để phát huy, ứng dụng linh hoạt cho các dự án khác trong tương lai của Sở.
4. Đánh giá chung về kết quả đạt được
Những kiến thức tư vấn cho thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của các Dự án đề nghị nhận hỗ trợ kỳ này, từ đó rút ra những giải pháp hữu ích cho các Nhóm trong việc lập kế hoạch, xây dựng những lộ trình thực hiện và duy trì hiệu quả từ các kết quả của dự án trong hiện tại cũng như tương lai.
Qua lần nhận hỗ trợ tư vấn lần này với các Chuyên gia nước ngoài giúp cho các cán bộ, công chức tỉnh Bình Dương học hỏi được tính chuyên nghiệp trong việc tiếp cận, trao đổi, thảo luận, và phân tích vấn đề từ đó xây dựng được những lộ trình công việc một cách cụ thể để đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề hữu ích. Đồng thời, cũng học tập từ các Chuyên gia phương pháp làm việc theo nhóm, các thành viên trong nhóm cần có sự tương tác với nhau, giúp tạo ra được một tinh thần hợp tác, biết phối hợp và phát huy các ưu điểm của các thành viên trong nhóm để cùng nhau đạt đến một kết quả tốt nhất cho mục đích mà nhóm đặt ra.
Kết quả tư vấn chuyên môn của các Chuyên gia đã được các Nhóm đánh giá cao về tính khoa học và thực tiễn ứng dụng của các giải pháp trong các dự án đề xuất hỗ trợ lần này. Các Nhóm sẽ đem kết quả, cũng như phương pháp tiếp cận, phương pháp phân tích đánh giá học hỏi từ đoàn Chuyên gia để phát huy, ứng dụng linh hoạt cho các dự án khác trong tương lai của các đơn vị.
II. Những hoạt động bên lề
1. Hoạt động cộng đồng tại trường Đại học Thủ Dầu Một:
Sáng ngày 19/5/2018, tại Trường Đại học Thủ Dầu Một đã có buổi giao lưu giữa các chuyên gia IBM với hơn 200 sinh viên của Trường. Qua đó, các em sinh viên từ các Khoa khác nhau, các năm khác nhau đã được các chuyên gia IBM trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm bản thân; tạo động lực cho các em sinh viên học tập, nghiên cứu và phát triển bản thân, hướng đến hội nhập thế giới.
2. Seminar Giới thiệu về R và Python tại trường Đại học Thủ Dầu Một (02 phần mềm về xử lý và phân tích dữ liệu).
Ngày 22/5, các chuyên gia từ IBM đã tổ chức buổi Seminar giới thiệu về “R và Python” là 02 phần mềm về xử lý và phân tích dữ liệu. Với hơn 30 người tham gia từ các đơn vị như Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã Hội, các Giảng viên thuộc Trường Đại học Thủ Dầu Một, hội thảo cung cấp một cái nhìn tổng quan về ngôn ngữ lập trình cũng như các ứng dụng.
3. Đá banh giao lưu:
Tối ngày 25/5/2018, các chuyên gia IBM, ABV và các thành viên hỗ trợ từ các đơn vị như Trung tâm Dịch vụ việc làm – Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm công nghệ thông tin - Lưu trữ tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Mội trường), Sở Y tế, trường Đại học Thủ Dầu Một đã có buổi giao lưu thể thao (đá banh) và ăn tối nhằm tăng cường mối quan hệ cộng tác và giải tỏa căng thẳng sau một thời gian tập trung làm việc.
4. Các hoạt động giao lưu khác
Để tăng cường những hoạt động giao lưu văn hóa, các Nhóm và các Chuyên gia còn tổ chức giao lưu bóng bàn, tham quan Vườn trái cây Lái thiêu, giới thiệu các món ăn truyền thống đặc sản tại Bình Dương và may tặng mỗi người một bộ áo dài truyền thống Việt Nam.
Đoàn chuyên gia tình nguyện viên IBM chụp hình cùng các đơn vị thụ hưởng
Trong lễ Tổng kết chia tay tổ chức tại Trường Đại học Thủ Dầu Một ngày 01 tháng 6 năm 2018, đại diện Đoàn Chuyên gia tình nguyện IBM đã phát biểu: “Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi đã nghe nói về tính hiếu khách của người Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng, khi đến Bình Dương ngoài tinh thần làm việc chuyên nghiệp của các Nhóm, chúng tôi còn được tham gia rất nhiều hoạt động truyền thống vô cùng đặc sắc và lòng hiếu khách không thể bày tỏ được, những tình cảm nồng ấm của các bạn đã dành cho chúng tôi sẽ không bao giờ quên”.
Thu Hà (SKHCN)