Triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày 14/9/2021, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch số 4628/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Với mục đích triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc xây dựng thành phố thông minh Bình Dương; Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về chương trình chuyến đối số ngành Thư viện là một trong những nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.
Chuyển đổi số ngành Thư viện trên cơ sở ứng dụng khai thác có hiệu quả công nghệ số nhằm hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số trong ngành thư viện, bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Tập trung phát triển tài nguyên số, sản phẩm thông tin thư viện, thúc đẩy liên thông, kết nối, chia sẽ tài nguyên thông tin giữa các thư viện. Kế hoạch đã tập trung vào 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
- Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền: Nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, người làm công tác thư viện về vai trò quan trọng và yêu cầu sớm triển khai chuyển đổi số ngành thư viện đồng bộ với chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch (bảo tàng, di sản, du lịch...); tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số ngành thư viện thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác, lồng ghép trong các hoạt động, sự kiện liên quan
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật: rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến chuyên ngành thư viện đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy định pháp luật có liên quan; rà soát, kiến nghị những bất cập để hoàn thiện các quy định về điều kiện tối thiểu của hạ tầng, thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại đối với các thư viện công cộng, thư viện đại học, thư viện trong trường học và các cơ sở đào tạo bảo đảm hỗ trợ, phục vụ tích cực quá trình chuyển đổi số ngành thư viện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thư viện...
- Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành Thư viện: Từng bước nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật; rà soát, nâng cấp, tái cấu trúc hạ tầng để đẩy nhanh việc chuyển đổi, hình thành hạ tầng số, thực hiện cung cấp dữ liệu và kết nối với cơ sở dữ liệu của quốc gia, của bộ, ngành, địa phương theo quy định pháp luật; tăng cường đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, tiện ích thư viện thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt đối với các thư viện công cộng cấp tỉnh, cấp huyện và thư viện các trường đại học công lập; ưu tiên triển khai Chương trình theo hình thức thuê, hợp tác công tư liên quan đến ứng dụng, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin theo từng nhiệm vụ cụ thể.
- Phát triển dữ liệu số ngành thư viện: Tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, chú trọng tài nguyên giáo dục mở; hình thành cơ sở dữ liệu hệ thống định danh các thư viện, cơ quan thông tin và các dịch vụ cung ứng tại thư viện cũng như trên không gian mạng; xây dựng mục lục liên hợp phản ánh tài liệu dùng chung và mục lục liên hợp với một số ngành, lĩnh vực. Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện sử dụng tài nguyên số, sản phẩm thông tin số ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
- Xây dựng và phát triển nền tảng số: Xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa các thư viện trong cả nước và nước ngoài; hợp tác trong bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số; quản lý thư viện theo hệ thống để các cơ quan quản lý có thể thực hiện việc kiểm tra, quản lý; cung cấp dịch vụ trực tuyến; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung...
- Bảo đảm an toàn, an ninh mạng: Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; tổ chức lực lượng ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng; xây dựng hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số bảo đảm thông tin tin cây, an toàn, lành mạnh.
- Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác thư viện. Huy động sự tham gia nhân lực của các doanh nghiệp, tổ chức vào tiến trình chuyển đổi số ngành thư viện.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế: Tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia tiên tiến và tổ chức, doanh nghiệp quốc tế vào việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, chuyển giao khoa học và công nghệ, nguồn lực thông tin cũng như đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nghiên cứu khoa học trong thư viện. Học tập kinh nghiệm của các quốc gia có thư viện và chuyển đổi số thư viện phát triển mạnh.
Ánh Nguyệt