Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý phế phẩm
Nước ta có thế mạnh là vùng sản xuất nông nghiệp, đối tượng cây trồng chủ yếu là lúa, nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi, cây màu, cây ăn trái… nên có nguồn phụ phẩm nông nghiệp rất lớn.
Tuy nhiên, chỉ khoảng gần 20% được tái sử dụng làm chất đốt hoặc thức ăn gia súc, còn lại đều bị thải bỏ, gây ô nhiễm môi trường và làm tắc nghẽn dòng chảy. Theo thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lượng phế phụ phẩm bị thải bỏ ước tính khoảng 50 triệu tấn/năm. Hội thảo phân tích xu hướng công nghệ “Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm khuyến khích các nhà khoa học, quản lý và nông dân trên địa bàn Phía Nam ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến nhất hiện nay.
Trên thực tế, nhiều công nghệ đã được ứng dụng trên thế giới và Việt Nam để xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp như sản xuất than, dầu sinh học, năng lượng, vật liệu aerogel, pin từ vỏ trấu; vật liệu xây dựng; phân ủ composite; trồng nấm, linh chi; đồ thủ công mỹ nghệ; xử lý nước thải chăn nuôi; … Tại Việt Nam, một số chế phẩm vi sinh vật trong nước có khả năng xử lý rơm rạ trực tiếp như: Compost Maker; Trichoderma,... đã đạt được những kết quả khả quan khi áp dụng trên đồng ruộng. Kết quả các nghiên cứu cho thấy, lượng phụ phẩm trồng trọt có giá trị dinh dưỡng cao từ 45 - 70% tổng chất dinh dưỡng tiêu hóa và có khả nang cung cấp lớn lượng calo cho gia súc. Do vậy, nếu ứng dụng các công nghệ phù hợp thì phụ phẩm trồng trọt trở thành các sản phẩm có giá trị chăn nuôi, dinh dưỡng cho đất và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ như ở lò gạch, đun nấu, 5% là nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc,… Nguyên nhân, là do các công nghệ xử lý còn phức tạp, gây tốn kém nên chưa được nông dân ứng dụng triệt để.
Theo ThS. Phạm Xuân Hưng, khó khăn xử khi lý là rơm rạ tươi chứa nhiều chất xơ là cellulose khó hoai mục, thời gian phân hủy trong đất lâu nên khả năng thay thế nguồn dinh dưỡng như phân chuồng bị hạn chế. Ngoài ra, do không được phân hủy triệt để nên sau vụ canh tác màu gây khó khăn trong khâu làm đất, nguy cơ xuất hiện nhóm vi sinh vật gây bệnh vùng rễ cây trồng. Nên khi cày, vùi rơm rạ xuống đất phải ít nhất sau 20 ngày mới cấy xạ an toàn. Vì vậy, người nông dân vẫn lựa chọn giải pháp đốt bỏ là chủ yếu. Từ thực tế này, ông và các đã nghiên cứu và sản xuất chế phẩm vi sinh nhằm khắc phục những nhược điểm trên. Nghiên cứu này đã được ươm tạo và tốt nghiệp tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh.
Theo phân tích, chế phẩm vi sinh Sumitri có sự khác biệt so với các chế phẩm khác như nguồn giống vi sinh được phân lập và bảo quản giống gốc trong môi trường tối ưu nên giữ được hoạt tính sinh học bền vững. Sản phẩm vi sinh nhân nuôi theo công nghệ phân tách bào tử, nên khả năng hoạt động rất tốt, bảo quản được thời gian dài. Ngoài ra, sản phẩm gồm nhiều chủng vi sinh tích hợp, có thể hoạt động cả trong điều kiện hảo khí và yếm khí nên phù hợp với điều kiện của thực tiễn sản xuất. Hiện nay, chế phẩm Sumitri đã được ứng dụng tại một số địa phương như Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp…
Kết quả thực tiễn cho thấy, sử dụng chế phẩm Sumitri, các chất hữu cơ nhanh chóng được phân hủy sau 7 - 10 ngày. Vì vậy tiết kiệm được 20 - 30% lượng phân bón cho vụ lúa tiếp theo. Đồng thời, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 3 - 4 lần/vụ, tăng hiệu quả kinh tế từ 4 - 6 triệu/ha. Ngoài ra, vi sinh vật có thể hoạt động trong điều kiện nước nhiễm mặn nên có thể phân hủy rơm, gốc rạ thành nguồn thức ăn cho tôm sau khi thu hoạch lúa trong canh tác lúa tôm. Bên cạnh đó, chế phẩm còn có thể dùng để ủ phân hữu cơ từ các nguồn phế phụ phẩm trồng trọt như thân cành thành long, ngô, khoai, vỏ cà phê … với thời gian ủ rất nhanh. Đặc biệt, ngoài tiết kiệm được phân bón, còn hạn chế được sự phát triển của cỏ dại, hạt lúa ma, hạt lúa lẫn và giảm đáng kể bệnh đạo ôn, khô vằn.
Thu Huyền BTV