Ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh Bình Dương năm 2022
Chương trình OCOP gắn với đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được triển khai nhằm phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế góp phần cơ cấu lại nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề.
Xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp trong thực thi công vụ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống, vật chất tinh thần người dân thông qua phát huy nội lực tiềm năng, lợi thế về sản vật kết hợp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật làm gia tăng giá trị sản phẩm mang tính bền vững, an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng và bảo vệ môi trường, ngày 29/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1166/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 định hướng đến năm 2025. Chương trình đặt ra 3 mục tiêu cụ thể: Xây dựng hệ thống quản lý, thực hiện Chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã; ban hành và áp dụng cơ chế, chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên phạm vi cả tỉnh; trong năm 2020, có ít nhất 30 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trở lên, được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Đến tháng 5/2022, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục ban hành Kế hoạch 2504/KH-UBND thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bình Dương năm 2022 với các mục tiêu: Duy trì thực hiện Chu trình OCOP hàng năm; vận động hướng dẫn 100% xã chưa có sản phẩm tham gia Chương trình; tiếp tục duy trì, hỗ trợ tư vấn chủ thể hoàn thiện về bao bì, ghi nhãn hàng hóa, công bố chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, …theo quy định để nâng hạng ít nhất 5 sản phẩm 3 sao lên 4 sao. Đồng thời, trong năm 2022 phấn đấu có ít nhất 20 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên…
Có thể nói, một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, góp phần hát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Bên cạnh đó, khoa học và công nghệ cũng đã góp phần trong việc phục tráng, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển thành công nhiều sản phẩm đặc thù, đặc hữu địa phương, đồng thời tạo cơ hội trong việc khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP qua việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu... cho nhiều sản phẩm của tỉnh nhà.
Ngọc Trang