Vật liệu xây không nung: Sản xuất, phát triển và sử dụng
Để sản xuất 1 tỉ viên gạch đất sét nung QTC sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương, tương đương 75 hecta đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây đến năm 2020 nhu cầu vật liệu xây được dự báo khoảng 42 tỉ viên QTC. Nếu đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57-60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.8000-3.000 hecta đất nông nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, đồng thời tiêu tốn 5,3-5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây tăng khoảng 10%-12%/năm nếu chỉ sử dụng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn hàng nghìn hecta đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm. Ngoài ra, sử dụng gạch đất sét nung còn khó có điều kiện công nghiệp hóa hiện đại hóa ngành xây dựng.
Chương trình phát triển vật liệu xây không nung được triển khai theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu đến năm 2020, vật liệu xây không nung sẽ thay thế được 30-40% gạch đất sét nung. Đến nay, chương trình đạt được nhiều kết quả và có mức tăng trưởng khá, tổng công suất thiết kế của 03 loại sản phẩm chính đạt khoảng 7 tỷ viên QTC/năm, sản xuất đạt khoảng 6,5 tỷ viên, chiếm khoảng 20% so với tổng lượng vật liệu xây năm 2016; nhận thức của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đã được nâng cao. Các cấp chính quyền của các địa phương đã chủ động, quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung…; chương trình đã được sự hưởng ứng của các hội, hiệp hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đã tích cực, chủ động hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, đã chủ động ứng dụng công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm vật liệu xây không nung, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm; chất lượng sản phẩm từng bước được kiểm soát, nâng cao.
Tuy nhiên, để đưa vật liệu xây không nung vào đời sống vẫn còn gặp không ít khó khăn và thách thức: Việc xóa bỏ các loại lò gạch (thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng, lò Hooffman) phải cần có thời gian; thói quen sử dụng gạch đất sét nung còn phổ biến ở khắp địa phương và người dân; nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, nhà tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm; công nghệ sản xuất gạch không nung còn ở mức trung bình nhất là bê tông khí chưng áp; việc quản lý chất lượng sản phẩm gạch không nung còn nhiều bất cập; các chính sách ưu đãi đầu tư sản xuất gạch không nung chưa chi tiết để doanh nghiệp có thể tiếp cận và thụ hưởng một cách dễ dàng; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi trong việc sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng.
Việc thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, ngoài ra còn tiêu thụ một phần đáng kể phế thải từ các ngành khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng… góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải.
Để đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp: Nghiên cứu, soát xét và bổ sung các văn bản về hành lang pháp lý cho việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; tăng cường chỉ đạo khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung bằng cách chính sách thuế môi trường về sản xuất gạch nung, thuế khai thác và sử dụng đất sét làm gạch nung…; tăng cường tuyên truyền để các chủ đầu tư, nhà thầu, nhà tư vấn, kiến trúc sư ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung; tiếp tục thông tin, tuyên truyền phổ biến Chương trình 567, Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều hình thức tới các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội để thấy được lợi ích của việc sử dụng vật liệu xây không nung.
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu để xử lý, đưa ra các phương án khắc phục những tồn tại đối với các chủng loại vật liệu xây không nung hiện tại và nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vật liệu xây không nung mới chất lượng cao; soát xét chỉnh sửa Chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu tường xây bằng block bê tông khí chưng áp” ban hành kèm theo Quyết định 947/QĐ-BXD ngày 31/10/2017; xây dựng ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu khối xây bằng gạch bê tông” và các chỉ dẫn kỹ thuật liên quan; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thiết kế công trình sử dụng vật liệu xây không nung đối với gạch bê tông và gạch nhẹ; sổ tay thiết kế chi tiết điển hình dùng cho gạch nhẹ; soát xét, xây dựng lại định mức sử dụng vật liệu xây không nung phù hợp với điều kiện thực tế.
Tại tỉnh Bình Dương, để phát triển vật liệu xây không nung, từ năm 2005 các lò thủ công trên địa bàn đã được di dời ra khỏi khu dân cư, năm 2010 các lò gạch thủ công đã chấm dứt hoạt động và đến năm 2016 thì các lò gạch Hoffman chấm dứt hoạt động. Đến nay, việc đầu tư sản xuất gạch xây không nung trên địa bàn tỉnh ước đạt 350 triệu viên QTC/năm. (Tài liệu Hội nghị phát triển gạch không nung trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tháng 8/2018).
Các văn bản liên quan:
Ngày 24/7/ 2000, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung;
Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung;
Ngày 16/4/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung;
Ngày 22/8/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1469/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Ngày 05/4/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng;
Ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng;
Phan Tấn Sang