Xây dựng hệ dữ liệu tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương phục vụ công tác quy hoạch, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững
Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường và tài nguyên trên GIS, có cơ sở khoa học và thực tiễn cao, để phục vụ công tác quản lý môi trường và công tác quy hoạch, tổ chức khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đáp ứng yêu cầu chiến lược của công tác quản lý quy hoạch, phát triển bền vững tỉnh Bình Dương.
Đề tài “Xây dựng hệ dữ liệu tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương phục vụ công tác quy hoạch, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững” do PGS.TS Nguyễn Văn Phước - Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện.
I. Đặt vấn đề
Hiện nay, việc hệ thống hóa, sử dụng và khai thác các tài liệu nghiên cứu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh và biến chúng thành thông tin phục vụ cho công tác quản lý theo yêu cầu phát triển hiện tại và tương lai vẫn còn nhiều bất cập như: Tính không đồng bộ của các nguồn tài liệu (do xây dựng trên nhiều hệ quy chiếu và khác nhau về mức độ tỷ lệ dữ liệu); điều kiện lưu trữ phân tán và theo công nghệ cũ; hạn chế về khả năng cập nhật, quản lý, sử dụng để phân tích đánh giá về mặt biến động theo không gian và thời gian.
Để phát triển tỉnh Bình Dương một cách an toàn và bền vững, việc chọn lọc tích hợp các thông tin, kết quả nghiên cứu đã có để xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu khoa học và thống nhất, xây dựng một công cụ quản lý hiệu quả, làm cơ sở và phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý các hoạt động phát triển vùng... là một nhu cầu bức thiết và thực tiễn. Hệ dữ liệu tài nguyên - môi trường được xây dựng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin chính là hệ công cụ đáp ứng yêu cầu bức thiết nói trên.
II. Mục tiêu
Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường và tài nguyên trên GIS, có cơ sở khoa học và thực tiễn cao, để phục vụ công tác quản lý môi trường và công tác quy hoạch, tổ chức khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đáp ứng yêu cầu chiến lược của công tác quản lý quy hoạch, phát triển bền vững tỉnh Bình Dương.
III. Kết quả thực hiện
Qua 02 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thực hiện được các nội dung đáp ứng mục tiêu và yêu cầu của đề tài đặt ra:
- Tiến hành khảo sát, phỏng vấn, thu thập thông tin về Hiện trạng dữ liệu tài nguyên môi trường ở các Sở trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở các kết quả khảo sát, đề tài đã tiến hành chọn lọc xác định các thông tin, dữ liệu, bản đồ và các địa chỉ cần thiết để thu thập dữ liệu.
- Các bản đồ chuyên đề đã được biên hội bởi các chuyên gia trong từng lĩnh vực, với số lượng 07 bản đồ chuyên đề gồm: Bản đồ địa mạo; địa chất khoáng sản; địa chất thủy văn; thổ nhưỡng; hiện trạng sử dụng đất năm 2005; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và bản đồ quan trắc môi trường. Bên cạnh đó, đề tài đã thu thập bổ sung thêm ngoài danh mục đăng ký 02 bản đồ là: Hiện trạng sử dụng đất 2010 và phân vùng khai thác nước dưới đất.
- Kết quả phân vùng rủi ro môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương là sản phẩm tích hợp từ bộ dữ liệu đã thu thập, đã sơ bộ phân thành 12 vùng rủi ro theo đặc điểm của các điều kiện tự nhiên và các hoạt động liên quan đến sử dụng tài nguyên và môi trường chưa hợp lý là: Vùng khai thác khoáng sản đá xây dựng; vùng khai thác khoáng sản sét gạch ngói, đất san lấp, laterit; vùng tập trung phát triển các khu công nghiệp; vùng phát triển đô thị và khu dân cư; vùng phát triển nông - lâm nghiệp (cao su, khoai mì) bị xói mòn mạnh; vùng phát triển nông – lâm nghiệp (cao su, khoai mì, tiêu, điều); vùng phát triển mạnh các quá trình sườn; vùng thung lũng sông Sài Gòn; vùng thung lũng sông Đồng Nai; vùng phát triển xen kẻ công nghiệp và nông nghiệp (lúa, hoa màu); các hồ nhân tạo; vùng bóc mòn trọng lực yếu.
- Về cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; đây là sản phẩm đặc thù mô tả tài nguyên môi trường của tỉnh trên cơ sở hệ thống thông tin địa lý GIS. Cơ sở dữ liệu được tích hợp và chương trình quản lý REMSYS_BD được thiết kế và xây dựng trên nền công nghiệp tiên tiến với các giải pháp tích hợp của ArcGIS, ArcSDE, SQL server, .NET Framework. REMSYS_BD được viết trên mã nguồn mở nên hoàn toàn có thể chỉnh sửa bởi người quản trị hệ thống, thêm hoặc bớt dữ liệu khi cần thiết. Nguồn dữ liệu số với tọa độ vị trí được xác định theo hệ tọa độ chuẩn quốc gia VN-2000 và theo chuẩn thông tin địa lý quốc gia là cơ sở giúp cho hệ thống dễ vận hành, nâng cấp cũng như có thể chia sẽ thông tin khi cần thiết. Cơ sở dữ liệu này được phân thành 4 phân hệ, trong đó bao gồm 10 chuyên đề và 109 lớp và bảng thông tin chi tiết, không kể chuyên đề nền địa lý (gồm 24 lớp).
- Bộ từ điển dữ liệu dạng số được xây dựng trên cơ sở thông tin metadata quản lý trên ArcGIS theo chuẩn của ESRI chứa đựng đầy đủ thông tin và tiện dụng trong tra cứu ngay bên trong hệ thống REMSYS_BD và cả bên ngoài hệ thống bằng các trình duyệt web thông dụng.
- Trên cơ sở nguồn tài nguyên đã xây dựng. Đề tài đã định hướng đề xuất quản lý và khai thác nguồn tài nguyên thông tin hữu ích trên cơ sở của các văn bản pháp lý của nhà nước nhằm giúp cho tỉnh có kế hoạch sử dụng và khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn dữ liệu của tỉnh nhà.
IV. Kết luận
Đề tài xây dựng hệ dữ liệu tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương phục vụ công tác quy hoạch, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững được tiến hành trong thời gian 02 năm. Kết quả của đề tài là một nguồn cơ sở dữ liệu rất lớn được xây dựng và lưu trữ trên hệ thống thông tin địa lý - GIS - kết hợp hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL server, được tập trung thực hiện phối hợp liên ngành với nhiều cơ quan, viện, trường trong công tác thu thập và biên hội cập nhật cơ sở dữ liệu đến năm 2009 ở cấp tỷ lệ bản đồ 1:50.000 trên cơ sở những thông tin, số liệu chuyên nganh đã thu thập và tổng hợp.
Sản phẩm đề tài có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp thông tin về tài nguyên và môi trường, làm cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác quản lý khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ánh Nguyệt
Nguồn: Nguyễn Văn Phước, 2011, Báo cáo KQNC đề tài Xây dựng hệ dữ liệu tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương phục vụ công tác quy hoạch, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững