Xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân
Đó là chia sẻ của ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Điều hành Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương với Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh Bình Dương nhân sự kiện Hội nghị TPTM Bình Dương năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27/11/2017.
Cổng TTĐT: Xin ông cho biết, mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị TPTM Bình Dương năm 2017?
Ông Mai Hùng Dũng: Tiếp nối thành công của Hội nghị TPTM Bình Dương lần 1 được tổ chức vào tháng 3/2016, Hội nghị lần 2 này nhằm mục đích giới thiệu về tầm nhìn, hướng đi và quá trình xây dựng khởi đầu của Đề án TPTM Bình Dương, đang góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh; tạo điều kiện thảo luận, chia sẻ các ý kiến từ lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước về tầm nhìn, chiến lược, chương trình hành động của các Đề án TPTM trên khắp thế giới, so sánh và đề xuất các ý tưởng thực tiễn cho trường hợp của Bình Dương trong giai đoạn sắp tới.
Hội nghị bao gồm nhiều hoạt động, hướng tới nhiều thành phần, từ đó nâng cao nhận thức, sự ủng hộ và sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các viện trường, các nhà khoa học, học sinh, sinh viên, đẩy mạnh liên kết ba nhà (Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp), liên kết hợp tác quốc tế và các tỉnh, thành lân cận, cùng triển khai xây dựng TPTM Bình Dương.
Cổng TTĐT: Hội nghị TPTM Bình Dương năm 2017 sẽ gồm những hoạt động nổi bật nào thưa ông?
Ông Mai Hùng Dũng: Hội nghị TPTM Bình Dương 2017 bao gồm 5 sự kiện chính gồm: Hội nghị toàn thể về TPTM Bình Dương, Hội thảo khoa học, Hội thảo doanh nghiệp, Cuộc thi Hackathon và Triển lãm.
Cụ thể, Hội nghị toàn thể về TPTM Bình Dương được tổ chức vào sáng ngày 27/11/2017 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh với sự tham dự của khoảng 1.000 người. Tại hội nghị, đại diện thành phố Eindhoven, đại diện Lãnh sự quán Hà Lan, các diễn giả là lãnh đạo, chuyên gia quốc tế và trong nước về các chủ đề TPTM liên quan trực tiếp đến Bình Dương như phát triển các chính sách, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và ICT, hướng tới xây dựng công trình xanh, sự tham gia của người dân trong xây dựng TPTM, chia sẻ kiến thức về sự phát triển của TPTM khắp thế giới,…và lễ trao giải Cuộc thi Hackathon 2017.
Hội thảo doanh nghiệp, Hội thảo khoa học được tổ chức vào chiều 27/11/2017, các doanh nghiệp, tổ chức sẽ trình bày các chủ đề liên quan đến các ý tưởng, dự án, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong việc xây dựng TPTM tại Bình Dương, mô hình "Ba Nhà", cũng như chia sẻ các xu thế mới, các đề tài khoa học đóng góp vào cho sự phát triển TPTM của Bình Dương, trong đó chủ đề liên quan đến dữ liệu liên kết và mở được quan tâm hàng đầu,...
Cuộc thi Hackathon diễn ra từ 25/11 đến 26/11/2017 tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Chủ đề của cuộc thi là thiết kế các ứng dụng quản lý nhà nước cho Bình Dương (trên thiết bị di động hoặc trên web) về các lĩnh vực phù hợp với yêu cầu hiện nay của tỉnh như thông tin du lịch, thông tin giao thông vận tải, thông tin cho công dân về các chính sách, thủ tục hành chính, bảng hiển thị thời gian thực các thông số môi trường - khí hậu - ô nhiễm…
Triển lãm về TPTM được tổ chức từ ngày 25 đến 27/11/2017 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh với sự tham gia của các doanh nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cao; doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ; các trường Đại học, Viện nghiên cứu,…Triển lãm được chia thành 02 khu vực:
- Khu vực cho các doanh nghiệp công nghệ: Trình bày, thử nghiệm thực tế các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao, các ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số theo xu thế thời đại công nghiệp 4.0, TPTM.
- Khu vực dành cho những ý tưởng đổi mới sáng tạo: là nơi cho những nhóm khởi nghiệp, những đơn vị nhỏ thể hiện những giải pháp có khả năng đóng góp cho TPTM Bình Dương.
Cổng TTĐT: Để hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp, công tác chuẩn bị tổ chức đến thời điểm này như thế nào thưa ông?
Ông Mai Hùng Dũng: Hội nghị lần 2 này có ý nghĩa rất quan trọng, nên được tổ chức quy mô hơn Hội nghị lần 1 và phải được tổ chức chu đáo, đảm bảo nội dung, chương trình, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương để đảm bảo cho sự thành công của hội nghị.
Có thể nói, đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức từ khâu nội dung của hội nghị, nội dung các cuộc hội thảo và cuộc thi; lập danh sách diễn giả và khách mời, công tác đón tiếp và bố trí ăn, nghỉ, chỗ ngồi cho đại biểu dự hội nghị, chuẩn bị cho tiệc họp mặt; công tác bảo đảm an ninh, trật tự cho hội nghị; công tác truyền thông;…cơ bản đã sẵn sàng. UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo, phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ để bảo đảm cho sự thành công của hội nghị.
Thư mời đã được gửi đến đại biểu tham dự Hội nghị TPTM Bình Dương năm 2017. Riêng đối với công tác truyền thông, nhằm phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức của người dân, học sinh-sinh viên, doanh nghiệp tại Bình Dương và cả nước biết về Bình Dương đang trong quá trình tiến tới xây dựng TPTM; giúp nhận biết Bình Dương đang tổ chức Hội nghị TPTM năm 2017; thu hút nhiều đối tượng đến tham gia, tham quan các hoạt động tổ chức tại hội nghị ngoài các phương thức truyền thông như treo băng rôn, áp phích, pano quảng bá ngoài trời, áp phích tại các trường đại học, công sở, đăng trên website, báo online, gửi thư điện tử (email), gửi tin nhắn SMS, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp báo làm 2 lần. Lần 1 dự kiến tổ chức 01 buổi vào ngày 23/11/2017; họp báo lần 2 vào lúc 9 giờ sáng ngày 27/11. Đặc biệt, UBND tỉnh đã xây dựng Trang Thông tin điện tử giới thiệu, phổ biến về Hội nghị TPTM Bình Dương năm 2017 có địa chỉ http://binhduongsmartcity.vn.
Cổng TTĐT: Hội nghị lần này có thể được coi là một trong những sự kiện trong tiến trình triển khai Đề án TPTM Bình Dương? Vậy ông có thể cho biết thêm về kết quả bước đầu xây dựng TPTM của Bình Dương?
Ông Mai Hùng Dũng: Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Bình Dương đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, phát triển bền vững. Tỉnh đã phối hợp với Lãnh sự quán Hà Lan, Tổng Công ty Becamex IDC cùng các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi Hội thảo và các cuộc làm việc, trao đổi và tìm hiểu về "Đô thị Thông minh", làm tiền đề quan trọng cho việc quy hoạch, phát triển tỉnh Bình Dương trong tình hình mới, phù hợp với giai đoạn đầu của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 - Cuộc cách mạng gắn liền với thuật ngữ "Công nghiệp 4.0".
Phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương
Từ thực tiễn đó và nhằm cụ thể hóa Chương trình số 22-CTr/TU ngày 15/8/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về "Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân", UBND tỉnh đã phê duyệt "Đề án thành phố Thông minh – Bình Dương"; triển khai thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng Cố vấn, Ban Điều hành, Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương và phối hợp tổ chức Hội thảo "Thành phố thông minh - Mô hình ba nhà". Đồng thời tổ chức các cuộc họp nghe các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án TPTM Bình Dương trong năm 2017, nhiệm vụ năm 2018 và các năm tiếp theo. Lãnh đạo tỉnh cũng tiếp các Đoàn công tác và các doanh nghiệp nước ngoài đến chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp hỗ trợ Bình Dương xây dựng TPTM. UBND tỉnh Bình Dương và Becamex IDC đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác lớn trong nước và trên thế giới có nhiều năng lực cũng như kinh nghiệm trong triển khai xây dựng TPTM như Tập đoàn Brainport, Philips Lighting (Hà Lan), Tập đoàn VNPT,...
Có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh và cơ chế như hiện nay, việc xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh là một tiến trình còn khá mới mẻ, chưa có tiền lệ với nhiều cơ hội và thách thức. Vì vậy, Bình Dương rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm của các đối tác nhất là chính quyền và doanh nghiệp thành phố Endhohven (Hà Lan) và các quốc gia khác về phương hướng, tầm nhìn, giải pháp và nội dung thực hiện triển khai Đề án TPTM. Qua đó góp phần tạo cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc hoạch định một chính sách phát triển thành công cho tỉnh Bình Dương trong tương lai.
Cổng TTĐT: Bước đi tiếp theo mà Bình Dương sẽ triển khai thực hiện sau thành công của hội nghị lần này thưa ông?
Ông Mai Hùng Dũng: Với những kết quả đạt được tại Hội nghị lần thứ 2 này, bước tiếp theo, tỉnh sẽ xem xét, vận dụng những kinh nghiệm cũng như những giải pháp đã được các chuyên gia chia sẻ, đề xuất để tiếp tục triển khai nội dung các chương trình theo Đề án TPTM Bình Dương đã xây dựng. Trước mắt, Bình Dương sẽ đẩy nhanh các điều kiện cần thiết để tham gia vào Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Dựa trên những kinh nghiệm của thành phố Eindhoven và vùng Braint Eindhoven, Bình Dương đã quyết định tham gia vào ICF và phấn đấu giành Giải thưởng Smart21. Tham gia vào chương trình này, Bình Dương đang thể hiện khát vọng của tỉnh trở thành 1 trong 21 vùng thông minh nhất thế giới vào năm 2021. Để đạt được mục tiêu đó, Bình Dương đang chuẩn bị những điều kiện cần để kiểm tra khả năng của vùng và so sánh với những yêu cầu của ICF để có những giải pháp thực hiện đạt được các tiêu chí của Giải thưởng.
Cổng TTĐT: Vậy, người dân sẽ được thụ hưởng những tiện ích gì từ TPTM? Chính quyền sẽ đột phá thế nào về mặt quản lý? Doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội nào trong môi trường này?
Ông Mai Hùng Dũng: Ba đối tượng chính được phục vụ trong TPTM là chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, thăng tiến, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội... Đối với doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo ra niềm tin nơi chính quyền, đảm bảo phát triển thành phố bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí cho người dân.
Với một chiến lược nhất quán, nếu như Bình Dương lần lượt thực hiện các chương trình hành động cụ thể đã được đề xuất trong đề án, cùng chia sẻ những lợi ích và mong muốn giữa các bên, chúng ta hoàn toàn có thể mở ra một trang mới về kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu mới, tất yếu của người dân và doanh nghiệp, tiến lên một nền dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, dần dần hướng tới trở thành đô thị đáng sống, đáng làm việc, từng bước thực hiện mục tiêu lâu dài là "Vùng Kinh tế thông minh Bình Dương: tự hào của Việt Nam, danh tiếng toàn cầu".
Xin cảm ơn ông!