Xây dựng và tổ chức dạy học chủ đề tích hợp "Triều cường"
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, người giáo viên phải không ngừng học hỏi và vận dụng sáng tạo các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực trong nước và trên thế giới. Bên cạnh đó, nội dung bài học phải được chú trọng, đầu tư kĩ càng để học sinh có thể làm chủ được tri thức và vận dụng được các kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, góp phần thích ứng với môi trường sống. Việc xây dựng và tổ chức dạy học nội dung tích hợp đã được sử dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, quan điểm tích hợp đã đã xuất hiện từ lâu nhưng chỉ thực sự được coi trọng trong những năm gần đây.
Xuất phát từ thực tế cuộc sống, vấn đề ô nhiễm môi trường đang càng ngày càng trở nên cấp thiết. Sự ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất,.. ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống con người. Điều đó dẫn đến việc thiên tai đang ngày càng xuất hiện với tần suất cao, hậu quả lớn và diễn biến thất thường. Một trong các biểu hiện là triều cường dâng cao đặc biệt tại nhiều nơi, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của chính các học sinh trung học phổ thông. Mà kiến thức triều cường chỉ được đề cập một phần trong các môn học riêng rẽ, chưa được đề cập một cách hoàn chỉnh. Do đó học sinh cũng chưa thấy được sự liên hệ các kiến thức vào hiện tượng triều cường để biết được nguyên nhân, cách ứng phó với triều cường.
Để phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh trung học phổ thông, tác giả Đoàn Thị Thúy Ngân đã xây dựng và tổ chức dạy học chủ đề tích hợp “triều cường” liên quan về vấn đề nước, thủy triều, triều cường, môi trường ở bậc trung học phổ thông và bậc đại học.
Qua quá trình thực nghiệm, tác giả nhận thấy việc dạy học chủ đề tích hợp “Triều cường” là rất cần thiết cho học sinh vì thông qua việc học tập này, học sinh có thể hiểu và biết cách giải quyết các nhiệm vụ của thực tế cuộc sống khi xảy ra các hiện tượng ngập lụt do triều cường hoặc thiên tai, lũ lụt nói chung.
Học sinh cũng hiểu rõ hơn vai trò, ý thức của bản thân đối với môi trường, từ đó có ý thức bảo vệ, tuyên truyền bảo vệ môi trường sống của mình. Học sinh có hứng thú với việc giải quyết các nhiệm vụ trong thực tiễn cuộc sống mà không bị giới hạn kiến thức ở môn học nào. Do đó các em thấy được sự liên kết các kiến thức từ các môn học riêng rẽ, kiến thức các em thu nhận được trở nên sâu hơn, chắc chắn hơn.
- Hình thức tổ chức dạy học chủ yếu theo nhóm, trạm, dự án nên học có thể chủ động trong việc tìm kiếm kiến thức mà không còn bị động như cách truyền thụ thông thường. Quá trình học tập giúp học sinh phát triển các năng lực cá nhân như giao tiếp và hợp tác, năng lực tự học, đặc biệt là năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn.
Ánh Nguyệt (Nguồn: Đoàn Thị Thúy Vân, Xây dựng và tổ chức dạy học chủ đề tích hợp "Triều cường" nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh trung học phổ thông)